Món cá lóc nướng trui truyền thống. Ảnh: THI HỒNG |
Vùng quê tôi xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TPHCM) những năm sau giải phóng, người dân vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông, một năm một vụ lúa mùa 6 tháng; 6 tháng còn lại trong năm thì trồng đồ hàng bông (cà chua, đậu cove, đậu đũa, dưa leo…). Những nơi đất cao thì trồng thuốc lá kéo sợi, trồng mì, bắp nếp…
Thức ăn hàng ngày của người dân thường có gì ăn nấy, phần lớn đều thu nhặt từ trên cánh đồng, thửa đất. Những ngày vần đổi công đập lúa, có hôm đến cả chục người là hàng xóm, bà con thân thuộc đến làm. Người nhà từ sáng sớm trước khi ra đồng nấu một nồi cơm to rồi ủ nóng trong tấm đệm đươn mang theo.
Lúc đập lúa, bắt được con ếch, con lươn hay con cá lóc là đốt nắm rơm rạ ngay ngoài đồng, rồi cạo sơ lớp vảy cá bên ngoài, vùi đống lửa nướng. Đợi tàn than lấy cá ra xé bày lên tấm lá chuối, bẻ mấy trái dưa, quả cà chua, nắm rau dền chấm mắm nêm là có được bữa cơm giữa đồng no bụng. Sau một ngày đập lúa, vui nhất là lúc xúm nhau tát đìa. Dỡ mấy cây chà đìa là cá nhảy lóc chóc.
Lựa mấy con cá lóc chừng 2-3 đầu ngón tay chụm lại còn nhảy đành đạch mang về để bác Hai gái làm bữa chiều cho cả nhà. Cá được rửa sạch, để nguyên lớp vảy bên ngoài rồi xỏ đầu cây đũa vùi vào bếp than củi đỏ lửa chừng 20 phút lấy ra cạo qua lớp vảy, than, dầm vào chén nước mắm chanh ớt cay nồng, ăn với cơm trắng, rau sống thì thôi luôn…
Món ăn cá nướng trui bình dị, dễ làm của người dân Hóc Môn theo năm tháng lưu truyền từ đời này sang đời khác, dù có đi đâu xa cũng khó quên được. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư, thời khẩn hoang, người dân vùng Hóc Môn chỉ lo làm ăn, mở đất, lập ấp.
Món ăn cá lóc nướng trui là dấu tích của người dân thời kỳ đầu di dân còn thiếu thốn, khó khăn, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày gắn theo với ruộng đồng, bờ trúc, giậu tầm vông, không gì cao sang, nổi lửa lên có cái gì ăn cái nấy.
Cá lóc nướng trui hình thành từ thuở di dân vào lập ấp, chứ ở quê nhà ngoài miền Trung không có món ăn dân dã này. Nướng trui vì không có xoong nồi gì nấu cả, cá thì quá nhiều, thả câu xuống, hay mò hai bên bờ, tát vũng, mò dưới đìa là bắt được rồi.
Qua năm tháng, món ăn dân dã này được lưu giữ thành ký ức khó quên của một thời khẩn hoang khó nhọc, tạo nên nét văn hóa ẩm thực của người Nam bộ xưa.