Trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện” với gần 200 hiện vật, tư liệu ảnh và bài viết liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh được khai mạc ngày 13-10, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Với gần 200 hiện vật, tư liệu ảnh và bài viết, trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện” khai mạc ngày 13-10, tại Hà Nội đã giới thiệu đến công chúng những tặng phẩm tiêu biểu nhất của đồng bào trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những món quà Người đã tặng đồng bào và bạn bè quốc tế. Đây là khối hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trưng bày chuyên đề sẽ đem tới cho khách tham quan cơ hội được chiêm ngưỡng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa sau mỗi kỷ vật. Mỗi kỷ vật chính là một câu chuyện cảm động, thú vị gắn với một con người, một tổ chức hay một quốc gia, dân tộc trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945-1969.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Luật sư Loseby cùng vợ và con gái sang thăm Việt Nam, ngày 26-1-1960 Trong phần trưng bày Tấm lòng đồng bào Việt Nam, là những kỷ vật của kiều bào tặng Bác trong những ngày đặc biệt như sinh nhật, lễ tết… Với toàn thể dân tộc Việt Nam, Bác Hồ là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, của ý chí, khát vọng dân tộc. Với mỗi người dân Việt Nam, Bác như một người trong gia đình, thân thiết như cha với con, luôn lắng nghe, yêu thương và thấu hiểu. Sâu thẳm trong mỗi trái tim kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, Bác Hồ luôn là biểu tượng thiêng liêng nhất của hai tiếng “quê hương”, bởi đối với Bác, kiều bào là một phần “máu thịt Việt Nam”.
Vào mỗi dịp sinh nhật Bác, đón chào năm mới hay các ngày lễ lớn của đất nước cũng như trong các buổi gặp gỡ, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài lại gửi đến Bác Hồ những bức thư, điện chúc mừng và những món quà giản dị, mộc mạc như chính cuộc đời của Người. Dù là của tập thể hay cá nhân, thiếu nhi hay cụ già, đồng bào miền xuôi hay miền ngược, miền Bắc hay miền Nam, trong nước hay ở nước ngoài, những món quà ấy hầu hết đều được họ tự tay làm ra hoặc là những kỷ vật trân quý để gửi tới Người với tất cả tình cảm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn.
Cờ đỏ sao vàng Hội Mẹ chiến sĩ ấp Bình Tốt, xã Bình Phú, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thêu tặng Bác Hồ, năm 1958 Phần 2 với nội dung Thắm tình bạn bè quốc tế, trưng bày những món quà nhân dân, bạn bè, tổ chức quốc tế dành tặng Bác. Những món quà ấy tuy giản dị nhưng đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia, kèm những lời chúc tốt lành tới Người, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và luôn sát cánh với nhân dân Việt Nam.
Đĩa hát ghi âm các bài phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro - Lãnh tụ cách mạng Cu Ba đã được Đoàn Quân sự Cu Ba sang thăm Việt Nam kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28-4-1962 Phần 3 với tên gọi Hành trình kỷ vật, là những món quà Bác đã tặng, gửi tặng. Những món quà tuy đơn sơ, giản dị nhưng đều thiết thực với công việc, cuộc sống hàng ngày, thể hiện tình cảm gần gũi, chân thành, sự quan tâm và thấu hiểu của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những món quà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đều được người nhận trân trọng, giữ gìn suốt cuộc đời mình và truyền lại cho thân nhân đời sau tiếp tục gìn giữ. Từ khi được thành lập năm 1970 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ tin cậy để những món quà năm xưa Bác tặng theo chân người nhận hoặc thân nhân họ trở về gần bên Người. Họ tin tưởng trao tặng lại những kỷ vật của Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ lâu dài, phát huy và giới thiệu tới đông đảo công chúng giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết tháng 12.
MAI AN