Số phận đã đưa hai con người đến với nhau, tạo nên mối tình đẹp, một gia đình đẹp và sự nghiệp có tầm vóc lớn của ông, với tất cả sự dấn thân cho khoa học của ông, đã tạo nên những mùa vàng, những hoa thơm, trái ngọt trên đồng ruộng Việt Nam. Khát vọng của ông như luôn vẫy gọi, luôn làm cháy lên ngọn lửa trong trái tim những người trẻ của các thế hệ nối tiếp.
Ông bà quen nhau khi ông là lưu học sinh của Trường Đại học Kyushu, ở Fukuoka, Nhật Bản. Bà lấy ông vào tháng 10-1945, lúc 22 tuổi, khi đang làm việc ở phòng thí nghiệm của Trường Đại học Kyushu. Ngày ấy, ông là một sinh viên nghèo, không có quà cưới tặng vợ, mẹ vợ đã đi chợ và tự tay nấu ăn cho đám cưới con mình. Năm 1946, ông lên Kyoto học ngành nông nghiệp, và tốt nghiệp loại ưu, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nông học - với luận án về di truyền tạo giống lúa mới. Ông là người thứ 94 toàn nước Nhật có học vị cao nhất ngành nông học tính từ thời Minh Trị cho tới lúc bấy giờ.
Từ chối đi nghiên cứu sinh ở Mỹ và lời mời làm việc ở Viện Nghiên cứu lúa thế giới IRRI để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều lần móc nối, năm 1952, ông đưa cả gia đình về Sài Gòn và năm 1954 tập kết ra Bắc. Từ đấy, bà thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân Việt Nam và trải qua cuộc sống khó khăn của thời tem phiếu, sơ tán, bom đạn của chiến tranh...
Những năm trên đất Bắc, ông làm việc ở Trường Đại học Nông nghiệp, rồi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây lương thực và cây thực phẩm Bộ Nông nghiệp, có những năm làm việc ở tỉnh Thanh Hóa. Còn bà thì làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, dịch và đọc tiếng Nhật, trả lời thư của thính giả Nhật và giới thiệu về Việt Nam. Bà hay nhắc rằng vẫn còn nhớ như in buổi phát thanh ngày 30-4-1975, lúc ấy bà đã đọc với cảm xúc dâng trào: “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi hoàn toàn! Thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng!”.
Tên tuổi bà đã gắn liền với tên tuổi ông, một nhà bác học lăn lộn trên đồng ruộng, tạo ra những giống lúa mới giúp hậu phương miền Bắc đạt kỷ lục 5 tấn lúa trên một héc ta lúc bấy giờ. Ông được phong tặng Anh hùng Lao động năm 1976, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Nhiều trường học, con đường mang tên ông trên mọi miền đất nước. Đặc biệt là các con cháu trong nhà đã thấy ông bà như huyền thoại, như chuyện cổ tích và là tấm gương hết sức gần gũi, thân thương.
Bà cho rằng cuộc đời mình luôn cảm thấy hạnh phúc bởi có niềm tin đối với bản thân và luôn sống lạc quan. Bà rất thích câu ngạn ngữ của người Nhật: “Gió thổi ngày mai khác với hôm nay”. Lúc còn khỏe bà hoạt động cho Giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng do Trung ương Đoàn sáng lập năm 2006 để trao cho thanh niên nông thôn - những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sáng tạo hàng năm. Theo bà, tuổi trẻ phải hiểu lịch sử, hiểu chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của hòa bình.
Trong một lần gặp bà, bà nói mình sẽ đi theo quỹ đạo cuộc đời mà ông đã trải và mong sẽ đón nhau ở ga cuối cùng. Ôi! Một mối tình đẹp, lãng mạn và hứa hẹn thủy chung cả ở bên kia thế giới.
Hai năm nay bà đã yếu đi nhiều nhưng vẫn còn minh mẫn và nhận biết con cháu. Giờ thì bà đã về với ông khi vừa bước qua tuổi 100. Xin kính tiễn bà Nakamura Nobuko - một hình ảnh chân phương và thật đẹp.