Đến nay, tôi vẫn còn ấn tượng với những phút giây đầu tiên cầm tờ giấy chuyển công tác từ nhà in sang Ban chính trị, Báo SGGP. Vừa gặp tôi, anh cười rất tươi và “sinh hoạt” luôn: “Ban chính trị là ban rất cơ động với nhiệm vụ vừa tuyên truyền các mặt công tác của thành phố và quận, huyện vừa thông tin cho một số ban ngành, đoàn hội, quốc phòng, nội chính…
Trước mắt, anh cho em chọn địa bàn công tác, còn các ban, ngành, anh sẽ phân công sau!”. Đúng bài tủ mà tôi đã học ở Khoa Ngữ văn - Báo chí, tôi trả lời không cần suy nghĩ: “Anh Hai (tên thân quen mà anh em hay gọi) cho em đi các huyện ngoại thành! Cần Giờ hay Củ Chi cũng được!”. “Á! Thằng này ngon! Anh OK!”, anh cười sảng khoái.
Buổi “họp giao ban” kết thúc nhanh gọn. Sau đó vài tuần, tôi được phân công tuyên truyền mảng an ninh - quốc phòng. Đó là cái thời vẫn còn viết tay trên giấy. Tầm 15 giờ vô Ban chính trị mà tưởng như vào lớp học. Đó là thời điểm phóng viên từ cơ sở, từ các cuộc họp trở về. Tiếng chữ viết rào rào trên giấy nghe rất vui tai. Anh Hai ngồi trong phòng riêng duyệt tin, bài cho từng người.
Thời mà mạng internet chưa phát triển, các bộ luật, văn bản được in ra giấy. Cái phòng riêng của anh Hai như một thư viện. Kệ đầy sách quây các mặt tường. Trên bàn, ngoài cuốn sổ giao ban là các chồng công văn, giấy tờ… nhìn rất lộn xộn, bề bộn. Đảm bảo người ngoài không biết đường nào mà lần. Nhưng, đó là sự lộn xộn trong ngăn nắp, trật tự! Tin, bài của tôi, Nguyên Hạnh (phóng viên tòa án), Phong Lan (phóng viên nội chính) được anh Hai chiếu cố rất kỹ. Bởi lẽ, trong tin, bài sẽ có các chức danh, điều luật…
Chức danh thì anh Hai “nằm lòng”, nhớ như in rồi, còn các điều luật thì anh Hai chỉ cần đứng dậy, với tay là lôi đúng ngay cuốn sách của bộ luật nào. Không những nhớ đúng vị trí cuốn sách, sổ tay mà anh Hai còn lật giở đúng ngay trang in điều luật đó. Chắc có lẽ nhờ anh Hai chăm chút như vậy, các tin, bài của chúng tôi được sửa chữa, bổ sung và không sơ sót!
Anh Hồ Xuân Nguyên, cựu phóng viên Báo Công nhân Giải phóng (sau này là Báo Người Lao Động), kể: “Tôi rất vinh dự làm báo cùng thời với nhà báo Hải Nam. Chúng tôi đã tham dự nhiều cuộc họp với quan chức cấp cao và cùng chứng kiến các sự kiện chính trị, thời sự quan trọng của đất nước những ngày đầu giải phóng. Trí nhớ của nhà báo Hải Nam khủng khiếp lắm! Ông ngồi nghe chăm chú và chỉ ghi chép những đề mục quan trọng, những câu nói hay của lãnh đạo rồi biến đó thành tựa đề bài viết. Những tư liệu như vậy không những phục vụ cho các tin, bài viết thời sự mà còn vận dụng cho các bài bình luận, xã luận định hướng dư luận rất sắc sảo… ”.
Dẫu biết anh đã 80 tuổi, mắc bệnh nhiều năm, theo lẽ tự nhiên anh nhắm mắt xuôi tay, “nghỉ ngơi cho khỏe” là chuyện phải tới. Thế nhưng, khi nhận được tin báo anh mất, tôi vẫn không muốn tin! Không tin là vì mỗi lần gặp anh, nghe anh nói chuyện hài hước, lạc quan lắm. Anh là người hào sảng, khảng khái, không muốn vướng bận đến ai. Kể cả khi anh mất, anh cũng dặn lại con cháu rằng, đám tang anh, không làm lễ truy điệu, không nhận phúng viếng, dưới mọi hình thức.
Nhớ về anh, em viết những dòng này như một nén nhang với lòng thành kính tiễn biệt anh. Nhớ anh nhiều lắm, anh Hai - Hải Nam ơi!