Ngày 30-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, vừa ban hành văn bản đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM và triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Theo đó, NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các chương trình, chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đối với khách hàng, trong đó ưu tiên thực hiện miễn phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, trước mắt áp dụng tại địa bàn tỉnh Bình Dương, Thừa Thiên Huế. Đồng thời, tích cực hưởng ứng và chủ động triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2023 thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách khuyến mại phù hợp trong thời gian diễn ra sự kiện trong tháng 6-2023.
Cụ thể, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý; phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm,...) thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, nhằm khuyến khích khách hàng TTKDTM như miễn giảm phí dịch vụ thanh toán; tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng... cho khách hàng khi mở mới tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hoặc thực hiện thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng các phương thức TTKDTM.
NHNN cho biết, chưa bao giờ hoạt động TTKDTM phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Người tiêu dùng có thể TTKDTM tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là cả quán trà đá vỉa hè... Trong các phương thức TTKDTM, QR code (quét mã nhanh) có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Năm 2022 tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, kể từ tháng 6-2021, khi dịch vụ Napas 247 bằng mã quét nhanh VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng thành viên triển khai, dịch vụ này đã có sự tăng trưởng tốt. Đến nay, hầu hết các NHTM tại Việt Nam và 2 nhà mạng lớn là Viettel và VNPT cung cấp dịch vụ mobile money đã tham gia vào mạng lưới chuyển tiền VietQR.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, chỉ sau 2 năm triển khai, đã có khoảng 26 triệu lượt người sử dụng. Trong đó, tính riêng tháng 4-2023, đã có 16 triệu người chuyển tiền qua phương thức quét VietQR. Người dân sử dụng điện thoại di động cho các giao dịch tài chính ngân hàng nhiều hơn, mua hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiện ích, chuyển tiền chủ yếu qua ứng dụng ngân hàng di động hoặc qua ứng dụng ví điện tử để thay cho tiền mặt.
“Sự ra đời của phương thức VietQR đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán của người dân. Hơn nữa, quét mã VietQR để chuyển tiền mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng và chính xác cho người dùng. Thêm vào đó, dịch vụ chuyển tiền VietQR thời gian qua cũng được hầu hết các ngân hàng miễn phí và cho phép thực hiện cả các giao dịch có giá trị nhỏ như tiền lẻ nên được người dân rất chào đón", ông Hùng nói.