Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đến cuối tháng 9-2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92%. Tại Tây Nguyên, đến ngày 30-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%; tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cuối năm 2022.
Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Tại Tây Nguyên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm khoảng 53%. Hoạt động huy động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, các TCTD phải nhận điều chuyển vốn từ hội sở để kinh doanh.
Quang cảnh Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên |
Tại hội nghị, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Công ty xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp Gia Lai đề nghị, ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê; cung cấp 1 gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê và có tính bền vững về lãi suất, về room tín dụng, về chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa), để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn; xem xét cho vay dựa trên uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng, ưu tiên cấp hạn mức, mở rộng hạn mức, giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê ngay từ thời điểm đầu vụ.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Theo ông Đào Minh Tú, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây...); tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu..
“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam nhấn mạnh.