Nhịp sống sau giãn cách

Những câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận dưới đây chính là cuộc sống, sinh hoạt của người dân TPHCM trong những ngày này, khi thành phố đang dần trở lại nhịp sống sôi động vốn có. 
Quán cơm 0 đồng của vợ chồng ngoại giúp người khó khăn ở thành phố
Quán cơm 0 đồng của vợ chồng ngoại giúp người khó khăn ở thành phố

1. “Dậy đi con, chuông nhất rồi đấy”. Bà Thanh tỉnh giấc nhắc con gái lớn khi nghe tiếng chuông nhà thờ Vườn Xoài ngân vang sau hơn 4 tháng im vắng. “Hôm nay là chủ nhật, ngày 3 tháng 10, lúc 7 giờ ở nhà thờ Đức Bà có Thánh lễ Đức cha Tổng Giám mục đó mẹ. Chút nữa con vào nghe thánh lễ ở đây”. “Thì dậy mở YouTube thánh lễ nhà thờ Vườn Xoài cho mẹ nghe đi”, bà Thanh nói với con gái.

Đã một thời gian, người dân trong các xóm đạo không được nghe tiếng chuông vang vọng mỗi sáng mỗi chiều, không thấy hình ảnh quen thuộc trên những con đường đến nhà thờ, không thấy cảnh những đứa trẻ nô đùa trước sân nhà thờ chờ tới giờ vào thánh lễ. Thay vào đó, lúc 4 giờ 30 và 18 giờ hàng ngày, mọi người trong gia đình lại quây quần nghe thánh lễ trực tuyến qua các ứng dụng YouTube, Viber, Zalo. Bà Thanh nói: “Lúc đầu chưa quen, tiếng được tiếng mất. Sau con gái chỉ cho cách lúc rảnh vào xem lại cho rõ hơn. Thánh lễ trực tuyến cũng có cái hay là mình có thể xem lễ ở nhiều nhà thờ khác, nghe các cha giảng giải nhiều bài thánh kinh hay, dễ hiểu”.

Với các phật tử Phật giáo, chỉ có lễ quan trọng trong những ngày giãn cách vừa qua mới được các chùa thực hiện nghi thức cúng tụng trực tuyến, còn lại phần lớn đều tụng kinh, cúng lễ tại gia. Ngày mùng 1, rằm hàng tháng, nhiều phật tử gửi tin nhắn đến trụ trì các chùa thỉnh cúng cầu siêu cho những người quá cố, cầu quốc thái dân an, người thân và mọi người bình an vượt qua đại dịch. 

Chị Điệp, phật tử chùa Hải Đức (quận Phú Nhuận), chia sẻ: “Phật ở trong tâm, không nhất thiết cứ phải đến chùa cúng tụng mới thiêng. Ngày nào tôi cũng tụng kinh theo các bài kinh mà thầy chỉ dẫn, dần rồi cũng quen”. 
   
2. “Bây bưng cái xoong lớn này xuống cho ngoại, để ngoại bắc chảo lên xào rau. À nè bộ đội con ơi, ra nói ông ngoại chờ chút xong món cà ri rồi bới cơm vô hộp nghen”. Quay qua chúng tôi, ngoại nói: “3 bữa nay có bộ đội và thanh niên trên quận đoàn xuống phụ chứ nay lên tới hơn 200 phần cơm, ngoại mần không nổi”. “Cho đi lại rồi đó, sao ngoại không về quê?”. “Ngoại về lấy ai lo cơm cho mấy trăm người khó…”.

Hơn 4 tháng giãn cách cũng là thời gian ngoại, tên thật là Nguyễn Thị My (70 tuổi) cùng chồng Trần Văn Hồng (86 tuổi) nấu cơm chay 0 đồng tặng người khó khăn. Lúc đầu mỗi ngày ngoại nấu từ 30-50 phần cơm, sau cứ nâng dần, có ngày lên gần 300 phần. Chúng tôi hỏi con cháu ngoại đâu sao không thấy phụ, ngoại nói: “Tụi nó ở dưới quê đông lắm, kêu dìa từ đầu dịch mà tui nhất quyết ở lại. Thấy vợ chồng tui thức khuya dậy sớm, cực nhọc tụi nó ngăn hoài mà tui hổng nghe. Thấy vậy, mấy chị em nó tháng nào cũng gửi lên gạo, rau củ quả rồi tiền nữa để có mà nấu cơm giúp người khó”.

3 năm trước, ngoại từ quận Ô Môn (TP Cần Thơ) lên TPHCM chữa bệnh. Được người dân hỗ trợ, ngoại bén duyên với thành phố này nên quyết định thuê mặt bằng mở quán ăn chay (số 207 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh), trước là phục vụ người có nhu cầu, sau thấy ai nghèo khó thì giúp phần cơm qua ngày. “Nhà này ngoại thuê 20 triệu đồng/tháng đó. Mấy tháng dịch chủ nhà hổng lấy tiền, nhờ vậy mà có thêm nguồn mua gạo, rau lo bữa cơm cho người khó”. “Để tụi con góp chút gạo phụ ngoại hen”, chúng tôi hỏi ý ngoại. Chỉ tay qua mấy hũ dưa cà để trên bàn, ngoại nói nhỏ: “Bây phụ ngoại ít đường để muối dưa cà đi, mà phải đường phèn và đường vàng muối mới ngon nghe con, giúp ngoại nghen”.  

3. Du khách trong và ngoài nước lâu nay ấn tượng với phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), với nhiều quán bar, vũ trường, cà phê, nhà hàng, khách sạn… nhộn nhịp xuyên đêm. Nhưng nhiều tháng qua, phố đi bộ Bùi Viện vắng lặng, nhiều hàng quán đóng cửa để phòng chống dịch. Khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, phố đi bộ Bùi Viện tìm lại phần nào không khí với các quán ăn, cửa hàng mở bán mang về. Nhiều khu nhà có mặt bằng rộng trước kia là nhà hàng, quán bar được cải tạo thành siêu thị, cửa hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống phục vụ cư dân trong khu vực từ sáng đến đêm.

Bà Tiến đứng bán tại cửa hàng rau củ quả số 158 Bùi Viện cho biết: “Tui quê Cà Mau, ở lại thành phố xin chủ nhà hàng cho mở quầy rau củ quả phục vụ bà con. Tui mới ra bán mấy ngày à. Dọc đường này cũng nhiều người bán, được đồng nào đỡ đồng đó chứ mấy tháng nay đâu có việc làm”. Theo bà Tiến, rau củ quả và thực phẩm tươi sống được mối lái mua ở chợ Bình Điền chở vào, bán đến đâu lấy vào đến đó. Tiền lời mỗi ngày hỗ trợ chủ nhà chi phí mặt bằng, điện nước, vệ sinh.

Cách quầy hàng của bà Tiến hơn 100m là siêu thị thực phẩm sạch mở cửa 24/24 giờ với đủ mặt hàng từ rau củ quả đến hải sản, thịt cá, gia vị… Siêu thị này trước kia là một quán bar, diện tích khá rộng được sắp xếp, cải tạo lại thành kho chứa, kệ trưng bày hàng hóa, quầy thu ngân. Bà Hằng, nhà ở đường Đề Thám, nói: “So với nhiều nơi, giá cả một số mặt hàng tuy cao chút nhưng được cái gần nhà, đỡ phải đi lại, không chỉ phục vụ bà con lúc đi lại khó khăn, mà còn làm sống lại khu phố đi bộ sau giãn cách”.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) những ngày đầu nới lỏng giãn cách, vào buổi tối, khu cà phê trên cao, các quán ăn, nhà hàng, khách sạn hai bên đường còn đóng cửa, nhưng đã có các nhóm bạn trẻ đi tập thể dục, ca hát vang cả một đoạn đường; xe cộ qua lại đem đến cảm giác về một cuộc sống thích ứng.

Tin cùng chuyên mục