Cái nháo nhào bon chen như thế dù rất thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt, cho đến tận đêm giao thừa. Bắt đầu là việc sửa nhà đón Tết. Thật lạ, khi người ta có cả năm dài rộng thời gian cũng không ai nghĩ đến việc sửa nhà cửa vào những tháng khác. Cứ áp Tết mới lôi ra làm. Nó không hề khác với phong tục hàng trăm năm trước.
Khi những chiếc lá bằng lăng bắt đầu vàng ối buông mình khẽ khàng nơi góc phố sương mù, cũng là lúc những chuyến xe vận chuyển đất cát, vật liệu xây dựng chiếm lĩnh toàn bộ màn đêm yên tĩnh. Những chuyến xe lầm lì tung bụi trắng xóa là nỗi khiếp đảm của các cụ già về hưu có thói quen tập thể dục vào buổi tối. Thành phố còn rất ít con đường yên ả vào dịp này, chỉ trừ những con ngõ cụt. Nhưng cũng không hẳn thế. Nhiều con ngõ cụt cũng có người xây dựng và sửa chữa nhà cửa. Ban đêm điện sáng như sao sa khắp các công trường. Không chỉ nhân dân sửa chữa nhà ở của mình, nhà nước cũng hay nhằm vào dịp này để chỉnh trang đường phố.
Cuối năm con cọp này, thành phố cho lát lại đá vỉa hè ở khắp nơi trong nội đô. Con đường Giảng Võ rộng thênh thang được chọn làm nơi thực hiện chủ trương này. Toàn bộ vỉa hè cả mới cả cũ được những chiếc xe ủi có gầu múc đi tất cả viên gạch lát cũ. Kể cả lớp vữa và cát cũ lát nền bị múc sâu xuống khoảng 2 tấc. Hàng núi phế liệu được chuyên chở khỏi công trường để lại bầu không khí quánh bụi. Bà con hàng phố chấp nhận nhiều đêm mất ngủ vì tiếng động gầm rú máy móc cơ giới thi công vỉa hè. Chỉ với một niềm tin vỉa hè sẽ tồn tại khoảng 70 năm.
Nói nó giống phong tục hàng trăm năm, bởi cho đến tận bây giờ người Hà Nội vẫn giữ phong tục dọn nhà đón Tết. Ít nhất cũng phải lục lọi tủ vứt bớt đi những quần áo chăn màn không dùng đến nữa. Khu đổ rác đêm với hàng chục chiếc xe đậu đầy có ngọn vào lúc 4 giờ sáng. Các gia đình dọn dẹp chỉ có buổi tối để tranh thủ. Lúc này xe đổ rác đã nghỉ làm việc. Cái xe đổ rác ở phố tiện lợi với nhiều gia đình đông người nhưng bất tiện với những gia đình vắng người và phải đi làm theo giờ hành chính. Người ta vào tận ngõ ngách gõ kẻng, nhưng số người có mặt ở nhà vào lúc 5 giờ 30 chiều không nhiều. Nhiều gia đình còn mắc kẹt ở các cửa ô do nạn tắc đường giờ đã trở nên thường trực hàng ngày. Kết quả, tiền rác vẫn đóng đủ nhưng tối đến phải tự chở rác ra bãi tập kết để vứt.
Nhiều người đặt câu hỏi dân phố lấy đâu ra lắm rác thải thế? Câu hỏi này chẳng có dân phố nào trả lời được. Ngày Tết, dọn xong cái tủ quần áo chăn màn lại đến việc dọn chiếc tủ bếp. Bao nhiêu chai lọ, hộp nhựa, cốc giấy, thìa nhựa ứ đọng trong ấy. Đôi khi còn có cả dàn nồi niêu sót lại từ hồi đun bếp gas. Giờ bếp từ không thể dùng được nữa. Dọn ra cả túi to chất lên xe máy.
Chuyện này có lẽ là lần đầu tiên xảy ra trong một gia đình Hà Nội kể từ vài trăm năm trước. Chỉ hơn chục năm trước người Hà Nội cũng chưa có khái niệm vứt đi những xoong nồi còn lành lặn. Ba chục năm trước trong phố vẫn có những anh thợ hàn nồi rong ruổi khắp phố phường. Người ta thuê hàn lại những chiếc nồi nhôm quá cũ và bị thủng đáy. Có khi là phải vá vào chính miếng vá lần trước cũng bị thủng rồi.
Xong được cái tủ bếp, phải chờ đến tối mai mới bắt đầu dọn dẹp chiếc tủ giày. Kể từ hồi nền kinh tế mở cửa không còn dân phố nào chỉ có duy nhất đôi giày. Chẳng bù cho hồi bao cấp. Mỗi người một đôi dép. Nhựa hay cao su hay dép tông tùy vào hoàn cảnh kinh tế mà mua sắm. Nhiều chú rể Hà Nội ngày ấy đi mượn bạn bè quần áo và giày là chuyện rất thường. Có những đôi giày được dùng cho hàng chục đám cưới. Chật quá phồng chân chú rể. Rộng quá vo viên nắm giấy báo nhét vào trong mũi giày. Giày mượn đôi khi xảy ra những tai nạn. Có thể long đế hoặc đứt dây. Chẳng sao cả. Lúc ấy khách khứa đầy nhà có thể mượn đôi giày đang đi của người khác cho tròn lễ.
Hàng năm bây giờ tính trung bình cho một dân phố làng nhàng sẽ mua ít nhất 3 đôi giày. Và cũng thừa ra 3 đôi cuối năm phải vứt đi. Vài người già tiếc của giữ lại những đôi giày còn tốt để chẳng bao giờ xỏ chân vào nữa. Lạ là nhiều đôi giày tốt như thế vứt ngoài bãi rác có khi đến 2 ngày không có ai nhặt về sử dụng. Thợ chữa giày trong phố bỏ nghề gần hết. Không ai đi đôi giày đến mòn gót để mà thay đế. Giày thể thao chỉ cần cũ là đã bị loại. Giày mới hơn trăm ngàn đi tập thể dục cả năm chưa hỏng cũng vứt.
Tủ sách báo mới là nỗi bận tâm của nhiều gia đình chữ nghĩa. Mất thời gian nhất là phải xem từng quyển, từng tờ mà loại bỏ. Chỉ nhàn được nỗi không phải mang chúng đi vứt. Giáp Tết, nghề đồng nát ở phố cũng hoạt động mạnh. Họ mua báo cũ chẳng màng đến sách dù in đẹp đẽ đến mấy. Chủ nhà vừa bán vừa cho họ đống báo cũ và nhờ được họ mang sách đi vứt. Một năm được tặng vài trăm quyển sách không nhà ai chứa nổi. Vẫn phải cẩn thận xé đi trang có bút tích tác giả đề tặng.
Dọn dẹp xong mới nghĩ đến việc sửa sang sơn tút lại những khoảng tường ố vàng. Những cánh cửa xệ xuống chạm sàn. Gần Tết, cánh thợ nề, thợ mộc làm không hết việc. Công một ngày có khi đến cả triệu đồng gọi họ vẫn không dễ. Khắp phố phường vang dội tiếng máy cắt gạch, máy khoan tường. Thợ thuyền tối đến tụ tập rượu chè rôm rả khắp ngõ xóm. Vài anh hứng chí mang chiếc loa thùng kéo tay ra hát karaoke. Nửa đêm rồi vẫn còn giọng khê nồng nặc “Con biết xuân này mẹ chờ tin con…”. Ông lão hàng xóm không ngủ được thò đầu ra ngoài ban công quát “Tết nhất ai bắt chúng mày ở đây làm gì…”.
Phố phường chỉ thật sự chậm nhịp lại vào ngày mồng một Tết. Đó là khoảng thời gian dân phố trông đợi cả năm. Cái vắng vẻ yên bình làm chạnh nhớ đến những ngày phong tỏa chống dịch Covid-19.