Sau nhiều năm tung tẩy với những vần điệu trữ tình, nhà thơ Trương Nam Chi bỗng cao hứng viết cho thiếu nhi, với tập Thành phố mùa giãn cách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là một sự chuyển hướng thú vị. Làm thơ cho con và làm thơ cho cháu, đều là một cách để nhà thơ thanh lọc tâm hồn mình, được sống lại những thời khắc tinh khôi nhất của đời người.
Nhân cách hóa những sự vật xung quanh là một miền đất khá phong phú để khai thác khi viết thơ thiếu nhi. Nhà thơ Trương Nam Chi dễ dàng khám phá thế giới kỳ diệu kia: “Gió vít đầu ngọn tre/ Gió ghé thăm cành khế/ Cứ mải mê như thế? Suốt ngày gió rong chơi” hoặc “Cánh chuồn mỏng mảnh/ Lượn giữa không trung/ Sáu chân bé xíu/ Lơ lửng muôn trùng”. Tuy nhiên, phác thảo vẻ đẹp thiên nhiên chỉ là bước sơ khởi của thơ thiếu nhi. Nhìn ra sự tương tác trong thiên nhiên mới có thể nảy nở những ý thơ gây hứng thú cho bạn đọc nhỏ tuổi: “Thân chuối bật trổ hoa/ Chuối bồng con từ đấy”.
Nhà thơ Trương Nam Chi không vay mượn ngôn ngữ trẻ con để làm thơ thiếu nhi, mà chị cố gắng đánh thức đứa trẻ hồn nhiên còn tiềm ẩn trong trái tim mình, để viết những câu thơ ân cần: “Cô mèo nhà em/ Mắt xanh như ngọc/ Chẳng bao giờ khóc/ Hay là mè nheo/ Chỉ kêu meo meo/ Như đang hờn dỗi/ Khi em bắt lỗi/ Nghịch và ham chơi” hoặc: “Mẹ ơi con nghĩ/ Nuôi một bé heo/ Khi cần con sẽ/ Chia cho bạn nghèo/ Em mong mình mau lớn/ Được ra biển cùng cha/ Cây phong ba xòe bóng/ Che mát chiều Trường Sa”.
Giá trị của thơ thiếu nhi không chỉ giúp trẻ em ngâm nga bổng trầm, mà còn hướng trẻ em đến những nghĩ suy lương thiện và cao thượng. Nhà thơ Trương Nam Chi rất chú trọng khía cạnh ấy, và chị có được những câu thơ đáng nhớ: “Mẹ gánh hàng ra chợ/ Trên vai có gì đâu/ Ngày qua ngày vất vả/ Chẳng so đo nghèo giàu/ Bữa cơm đạm bạc/ Có bát canh ngon/ Ba, mẹ và con/ Vui như ngày tết”.