
- Những nét chung về ASEM
1. Theo sáng kiến của Singapore,Tiến trình hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting, viết tắt là ASEM) được chính thức thành lập tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ nhất tại Bangkok (3/1996).

ASEM 3 tại Seoul, Hàn Quốc, 2000
ASEM có 26 thành viên sáng lập gồm: 10 nước Châu Á (7 nước ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á: Brunei, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore), 15 nước thuộc Liên minh Châu Âu (Ireland, Anh, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Italia, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển) và Ủy ban Châu Âu (EC).
Tổng dân số của các nước ASEM khoảng 2,3 tỷ người, chiếm khoảng 37 % dân số thế giới. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) của các nước ASEM trong năm 2002 đạt khoảng 14.849 tỷ USD, chiếm khoảng 46 % GDP toàn thế giới . Tổng thương mại hàng hóa của các nước ASEM đạt khoảng 2.718 tỷ USD chiếm khoảng 43 % tổng thương mại toàn thế giới .
2. Thể thức cao nhất của ASEM là Hội nghị Cấp cao tổ chức 2 năm 1 lần. Các Hội nghị của ASEM được tổ chức luân phiên ở Châu Á và Châu Âu. Tiếp đến là các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính tổ chức mỗi năm 1 lần. Hội nghị cấp Bộ trưởng thuộc các lĩnh vực khác sẽ họp khi cần thiết (đã có thêm Hội nghị Bộ trưởng về Khoa học - Công nghệ, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường, Hội nghị Bộ trưởng về các vấn đề di cư và Hội nghị Bộ trưởng về Văn hoá và văn minh, Hội nghị Cấp cao về nông nghiệp).
Cho đến nay ASEM đã có 4 hội nghị cấp cao:
- ASEM 1 tại Bangkok, Thái Lan, 1996
- ASEM 2 tại London, Anh, 1998
- ASEM 3 tại Seoul, Hàn Quốc, 2000
- ASEM 4 tại Copenhagen, Đan Mạch, 2002
- Việt Nam đăng cai tổ chức ASEM 5 tại Hà Nội vào 8-9/10/2004
3. Về cơ chế hoạt động: các Bộ trưởng Ngoại giao và Thứ trưởng Ngoại giao (SOM) chịu trách nhiệm điều phối chung toàn bộ hoạt động của ASEM. Các Bộ trưởng Kinh tế và các quan chức cao cấp Thương mại và Đầu tư (SOMTI), các Bộ trưởng và Thứ trưởng các ngành... điều phối hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể mình phụ trách.

4. Về cơ chế điều phối: ASEM không thành lập Ban Thư ký thường trực mà hoạt động theo cơ chế điều phối viên hợp tác thường xuyên thông qua hai đại diện của Châu Á (1 nước ASEAN - hiện tại là Việt Nam (10/2000-10/2004) và 1 nước Đông Bắc Á - Nhật Bản) và hai đại diện của Châu Âu (gồm điều phối viên thường xuyên EC và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU).
5. Về nguyên tắc hoạt động: ASEM là một diễn đàn đối thoại không chính thức, hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Trong văn kiện “Khuôn khổ hợp tác Á-Âu 2000” (thông qua tại Cấp cao ASEM 2, tháng 4/1998 và Cấp cao ASEM 3, tháng 10/2000), các Lãnh đạo ASEM đã thỏa thuận cùng nỗ lực tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á-Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn” và hoạt động theo các nguyên tắc:
+ Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi;
+ ASEM là một tiến trình mở và tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết phải thể chế hóa;
+ Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau;
+ Triển khai đồng đều cả 3 lĩnh vực hợp tác chủ yếu là tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác;
+ Việc mở rộng thành viên thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các Vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ
- Các hoạt động chính của ASEM
ASEM hoạt động trên 3 lĩnh vực hay còn gọi là 3 trụ cột: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế-tài chính, và hợp tác trong lĩnh vực khác. Đến nay, trải qua 8 năm hoạt động, ASEM đã triển khai hơn 250 hoạt động với nhiều sáng kiến trên cả 3 lĩnh vực.
1- Về đối thoại chính trị:
Các thành viên ASEM đã tiến hành đối thoại chính trị ở cấp cao, cấp Bộ trưởng Ngoại giao (FMM) và cấp SOM trên các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm nhằm tăng cường hiểu biết của Châu Âu về Châu Á và ngược lại. Các nội dung đối thoại khá rộng lớn, từ những phát triển của tình hình ở mỗi khu vực, các vấn đề thời sự của quốc tế như tình hình Trung Đông, khủng bố quốc tế, vũ khí giết người hàng loạt đến đối thoại về phát triển, các vấn đề xã hội, pháp quyền.
2- Về hợp tác kinh tế- tài chính :

Hợp tác kinh tế của ASEM tập trung vào 3 lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính. Hiện nay, nhằm tiến tới quan hệ đối tác kinh tế gần gũi hơn, Nhóm đặc trách kinh tế ASEM đã được lập theo quyết định của Cấp cao ASEM 4 (9/2002) và đi vào hoạt động từ tháng 3/03 nhằm thảo luận đưa ra các khuyến nghị cụ thể tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư giữa hai châu lục để trình lên Cấp cao ASEM 5.
- Hợp tác thương mại được thúc đẩy thông qua “Kế hoạch hành động thuận lợi hoá thương mại - TFAP”, tăng cường luồng đầu tư giữa hai châu lục thông qua “Kế hoạch Hành động Xúc tiến Đầu tư - IPAP” với sự trợ giúp của các chuyên gia phụ trách đầu tư (mạng liên hệ của các chuyên gia phụ trách đầu tư-ICP được thiết lập tháng 7/03 thay “Nhóm chuyên gia về đầu tư”). Kênh “Diễn đàn doanh nghiệp” trở thành một kênh quan trọng thúc đẩy trao đổi giữa các doanh nghiệp của hai châu lục được tổ chức thường niên.
- Về hợp tác tài chính, ngoài các hội nghị Bộ trưởng và Thứ trưởng tài chính, nổi bật là việc thành lập Quỹ Tín thác ASEM (ASEM Trust Fund-ATF), theo sáng kiến của Anh, đặt trụ sở tại Ngân hàng Thế giới để giúp 7/10 thành viên Châu Á khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ xảy ra ở Châu Á năm 1997. Đến nay, Quỹ Tín thác tài trợ kỹ thuật cho Việt Nam 15 dự án với trị giá trên 10 triệu USD, đứng thứ 3 trong số các nước được nhận tài trợ từ quỹ này. Hợp tác chống tẩy rửa tiền đang được các thành viên ASEM quan tâm (Sáng kiến về chống rửa tiền ASEM đã được thông qua tại ASEM 2 và hiện nay 1 dự án về chống tẩy rửa tiền đang được tiến hành tại các nước Châu Á trong 3 năm với sự tài trợ của Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) của Vương Quốc Anh, ủy ban Châu Âu và Thái Lan). Về hải quan, bên cạnh các cuộc họp cấp Tổng Cục trưởng Hải quan (2 năm một lần), ASEM đã thành lập 2 Nhóm làm việc về tăng cường hiệu lực hải quan và thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giũa hai châu lục.
Ngoài ra, Hội nghị Cấp cao Nông nghiệp đầu tiên của ASEM đã diễn ra vào tháng 11 năm 2003 để thảo luận khả năng tăng cường hợp tác ASEM trong lĩnh vực nông nghiệp. Các vấn đề đã thảo luận bao gồm (i) Chính sách nông nghiệp, thương mại và đầu tư trong nông nghiệp của các nước; (ii) Phát triển nông nghiệp bền vững, (iii) Chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm, (iv) công nghiệp sinh học trong nông nghiệp.
3- Về hợp tác trong các lĩnh vực khác :
- Đây là mảng hợp tác có nhiều hoạt động được triển khai thành công nhất góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Á - Âu.
- Nổi lên là các hoạt động của Quỹ ASEF (lập tháng 2/1997, trụ sở tại Singapore) với mục tiêu tăng cường hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai châu lục thông qua 4 chương trình giao lưu nhân dân, tri thức, văn hoá và Tuyên truyền (đã có hơn 200 dự án và hơn 5000 công dân Á -Âu tham gia).
- Về môi trường, ASEM đã thành lập Trung tâm Công nghệ-Môi trường Á -Âu tại Thái Lan, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường lần thứ nhất tại Bắc Kinh tháng 1/2002 và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai tổ chức tại Italia tháng 10/2003.
- Về khoa học-công nghệ, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ lần thứ nhất đã tổ chức tại Băc Kinh tháng 10/1999 và các thành viên ASEM đã cam kết hợp tác để xây dựng một môi trường khoa học và công nghệ thuận lợi cho phát triển cân đối và bền vững, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.

- Nhằm tăng cường sự đối thoại, giao lưu và hợp tác giữa các nền văn hóa và văn minh hết sức đa dạng của các nước thành viên ASEM, Hội nghị ASEM đầu tiên cấp Bộ trưởng về Văn hóa và Văn minh đã diễn ra từ ngày 3-4/12/2003 tại Bắc Kinh. Các thành viên ASEM đã nhất trí tăng cường hơn nữa sự đối thoại trong lĩnh vực quan trọng này và đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể để triển khai sự hợp tác, trao đổi giữa các nền văn hóa, văn minh trong thời gian tới.
- Về y tế, đáp ứng mối quan tâm của các thành viên sau sự lan tràn của dịch bệnh SARS, Trung Quốc đã tổ chức hội thảo “Xử lý các dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng” vào tháng 10/2003. Trước đó, Việt Nam đã từng có sáng kiến đầu tiên trong ASEM về y tế đưa ra năm 1999 (Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng).
- Về tư pháp, ASEM quan tâm hợp tác trong thực thi luật pháp chống lại tội phạm xuyên quốc gia, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em .
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ASEM trong suốt 8 năm qua, tiến trình hợp tác ASEM đã trở thành cầu nối giữa hai lục địa Á -Âu, thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai khu vực dựa trên ba trụ cột hợp tác: kinh tế, chính trị và hợp tác khác. Trong tương lai hợp tác Á -Âu sẽ ngày càng phát triển, tạo thành một bộ phận quan trọng trong mối quan hệ giữa 3 đại khu vực của thế giới: Á -Âu-Mỹ

(Theo website ASEM5)