“Ngày xưa mình “ngỏ ý” là người ta theo mình liền, bây giờ thì phải đi theo người ta để vận động, vận động nhiều lần mới được. Có người còn hỏi vào Đảng có phải là bắt buộc không, nếu bắt buộc thì họ mới vào, còn tự nguyện thì không”. Câu chuyện ông Võ Văn Lợi, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Tường Vy (huyện Nhà Bè), chia sẻ là ví dụ điển hình của tình trạng phần lớn công nhân và sinh viên hiện nay không mặn mà chuyện được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam - điều mà mấy chục năm về trước là niềm vinh dự của thế hệ cha anh.
Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Tường Vy là một doanh nghiệp (DN) luôn quan tâm công tác bồi dưỡng kết nạp đảng viên đối với người lao động và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động. Sự thuận lợi này đến từ chính chủ DN, khi giám đốc công ty cũng là bí thư chi bộ. Từ 3 đảng viên vào năm 2015, sau gần 3 năm, DN với quy mô 40 nhân sự đã có đến 7 đảng viên chính thức và 1 đảng viên dự bị. Tuy vậy, như ông Lợi thừa nhận, ngay tại đơn vị có chi bộ hoạt động mạnh thì vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên ở lực lượng trực tiếp sản xuất. Hiện nay, đa số đảng viên ở công ty là nhân viên bộ phận hành chính văn phòng.
Việc phát triển đảng viên tại Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long càng khó khăn hơn. Ông Vũ Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, Bí thư Chi bộ Thanh Phong (thuộc Đảng ủy Doanh nghiệp huyện Nhà Bè), cho biết 3 năm qua chi bộ chưa phát triển thêm đảng viên mới nào, dù công ty có mấy ngàn người lao động. Năm nay, chỉ tiêu cũng rất khiêm tốn như mọi năm là “mỗi năm một người”, nhưng vẫn có nguy cơ không đạt được. Nhiều người được vận động nhiều lần cũng không vào Đảng.
Ông Vũ Hoài Nam trăn trở: “Thật sự, người lao động nói họ không có nhu cầu vào Đảng. Họ cho rằng vào Đảng không mang lại lợi ích dù trực tiếp hay gián tiếp. Chúng tôi cũng vận động, thuyết phục, song chưa được”. Không những chưa kết nạp được đảng viên mới, mà nhiều đảng viên trong chi bộ đã ngỏ ý muốn xin ra khỏi Đảng. Chi bộ Thanh Phong phải động viên, đảng viên mới tiếp tục sinh hoạt!
Đồng chí Trịnh Thị Ánh Hồng, Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận Bình Tân, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cho hay: Toàn công ty có hơn 75.000 công nhân, lao động nhưng chỉ có 215 đảng viên. Số lượng đảng viên mới được kết nạp giảm dần, năm 2016 là 29 đảng viên, năm 2017 chỉ kết nạp được 20 đảng viên. Gian nan nhất là công tác tạo nguồn. Phần lớn công nhân làm việc tại công ty ở các tỉnh, sáng đi chiều về, có hôm tăng ca đến tối. Thời gian làm việc xuyên suốt các ngày trong tuần, chỉ nghỉ chủ nhật, do đó việc tham gia các lớp nhận thức về Đảng (lớp cảm tình Đảng) của công nhân rất khó.
Thấy rõ bất cập này, từ năm 2017, Đảng ủy Công ty TNHH PouYuen Việt Nam phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Bình Tân tổ chức riêng lớp cảm tình Đảng cho công nhân vào ngày chủ nhật, thậm chí tổ chức vào ban đêm ngay tại công ty, tuy nhiên số lượng quần chúng tham gia rất hạn chế. Ngoài ra, không ít trường hợp quần chúng sau khi được chi ủy, đảng viên trong chi bộ giác ngộ, học xong lớp cảm tình Đảng, viết xong lý lịch và đang trong thời gian Đảng ủy công ty xác minh lý lịch thì lại… nghỉ việc.
Ít công nhân trực tiếp sản xuất vào ĐảngTrong 6 tháng đầu năm 2018, các cấp công đoàn TPHCM giới thiệu được 9.210 đoàn viên công đoàn ưu tú để kết nạp vào Đảng. Qua đó kết nạp 1.246 đảng viên mới, nhưng chỉ có 75 công nhân trực tiếp sản xuất. Nhìn chung, hàng năm các cơ sở đảng kết nạp Đảng khoảng 10% - 15% số đoàn viên công đoàn ưu tú do công đoàn giới thiệu, trong đó có khoảng 10% là công nhân trực tiếp sản xuất. Số lượng trên là ít so với quy mô công nhân, người lao động trên địa bàn TPHCM. Ngày nay, cuộc sống phát triển và có nhiều thay đổi nên những lựa chọn về lý tưởng cũng ít nhiều bị tác động, thay đổi. Nhiều người lao động cũng xác định, để đóng góp, để cống hiến, không nhất thiết phải là con đường vào Đảng; vào Đảng không phải là con đường duy nhất để đóng góp cho đất nước, mà có nhiều cách khác. Cùng với đó, cuộc sống mưu sinh hiện nay quá bận rộn, nhiều công nhân, người lao động không còn thời gian để lắng đọng, để suy tư, để tìm hiểu kỹ về Đảng. Một yếu tố quan trọng khác, chính là niềm tin. Hiện nay, đời sống xã hội có không ít tiêu cực phát sinh trong lãnh đạo, điều hành. Thực tế này khiến nhiều công nhân, người lao động băn khoăn với suy nghĩ lựa chọn vào Đảng có đúng hay không? Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM |
Tại các trường đại học, cao đẳng TPHCM, hiện có hơn 220.000 sinh viên, học sinh; nhưng chỉ có 1.658 đảng viên là sinh viên đang sinh hoạt tại 61 chi bộ sinh viên. Từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018, có 322 sinh viên, học sinh được kết nạp Đảng. Tuy số lượng sinh viên vào Đảng tăng so với trước đây, nhưng so với tiềm năng sinh viên hiện có thì chưa tương xứng, tỷ lệ còn thấp.
Anh T., giảng viên một trường đại học tại TPHCM, thẳng thắn bày tỏ: “Hiếm có trường hợp sinh viên vào Đảng khi đang ngồi trên ghế nhà trường - có thể nói là hiếm cực kỳ, ai mà vào Đảng là hiện tượng lạ. Thậm chí, có những sinh viên dù đã là đảng viên rồi nhưng giáo viên không biết, vì họ không muốn thể hiện vai trò tiên phong của người đảng viên trong học tập, trong thực hiện các phong trào, không muốn để những người xung quanh biết mình là đảng viên. Chỉ trong buổi họp chi bộ thì mới biết “À, đồng chí này là đảng viên”. Ý thức của lớp trẻ bây giờ là muốn cống hiến vì sự phát triển của đất nước chứ không quan trọng vào Đảng hay không”.
Dù Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một trong những đơn vị thuộc khối các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên trong giảng viên, sinh viên, nhưng PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay những sinh viên nào có định hướng sau này trở thành giảng viên cao đẳng, trung cấp, đi dạy nghề… thì mới phấn đấu trở thành đảng viên; còn đa số sinh viên vẫn ngại vào Đảng.
Ông lý giải: Sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp thường được các DN nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ưa chuộng, tuyển dụng. Mà gần như các DN này không có tổ chức Đảng, nên các em không có động lực trở thành đảng viên, vì sợ bị DN… ghét, không muốn tuyển dụng. Do vậy khi đề cập chuyện vào Đảng, nhiều em chần chừ, kéo dài thời gian, “câu giờ” không đi học lớp cảm tình Đảng, không viết lý lịch.
Theo bạn Nguyễn Thị Lan Ch. (sinh viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn), hầu hết sinh viên được kết nạp vào Đảng đều trưởng thành từ công tác phong trào, các hoạt động của Hội Sinh viên, Đoàn TNCSHCM. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngay cả hoạt động của các tổ chức đoàn thể cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sự liên kết, tương tác với tổ chức đảng, ngược lại tổ chức đảng cũng vậy. Thực tế này khiến sinh viên nhàm chán, từ đó tổ chức đoàn không tập hợp được đoàn viên, không vận động, giác ngộ được sinh viên vào Đảng, và công tác tạo nguồn đảng viên gần như bỏ ngỏ. Một thực tế khác khiến sinh viên không “mặn mà”, không muốn được kết nạp Đảng, thậm chí thiếu niềm tin vào Đảng là vì trong bộ máy nhà nước có không ít đảng viên thiếu gương mẫu, sai phạm nghiêm trọng.
“Theo tôi, nếu Đảng không tự điều chỉnh, đổi mới những hạn chế, tồn tại và thiếu kiên quyết trong việc nói không với sai phạm, tiêu cực thì khoảng cách giữa tổ chức đảng, đảng viên với sinh viên còn cách xa hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi sinh viên là những người trẻ, là tương lai của đất nước”, bạn Ch. bày tỏ quan điểm.
“Trắng” chi bộ đảng trong DN kiều bàoToàn bộ hơn 1.176 DN kiều bào đầu tư ở TPHCM đến nay vẫn chưa có chi bộ đảng. Bản thân tôi không là đảng viên và trong DN riêng của tôi cũng chưa có đảng viên. Nhiều người khi đề cập chuyện vào Đảng đều có chung một câu hỏi “vào để làm gì” và tự nhận xét “vào chỉ mất công đóng tiền phí hàng tháng”. Hàng chục năm trước, ở thời tuổi trẻ sôi nổi khi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong và được kết nạp Đoàn nơi biên giới, cảm xúc lúc đó ai cũng tha thiết được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hình ảnh người đảng viên khi đó thật đẹp, luôn đi đầu trước mọi khó khăn, luôn hy sinh lớn lao và có trách nhiệm với công việc đang làm, đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều người phấn đấu vào Đảng. Liên hệ đến động cơ vào Đảng ở giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng, lý tưởng phục vụ, cống hiến đã giảm. Ở nhiều người, động cơ vào Đảng đã lệch lạc so với ngày xưa. Hình ảnh nhiều người đảng viên bây giờ không còn được đẹp như xưa. Tôi từng chứng kiến một số đảng viên ăn cơm trưa, nhậu nhẹt và thanh toán hóa đơn lên đến mấy chục triệu đồng. Người cầm bill (hóa đơn) ra vô là ai, là người bưng bê phục vụ, là chủ quán, là sinh viên, là công nhân, là quần chúng. So với đồng lương mấy triệu đồng/tháng của nhân viên phục vụ, một bữa ăn có giá tiền gấp nhiều lần như vậy, dưới con mắt của quần chúng, không tránh khỏi sự choáng váng. Hình ảnh, tư thế, tác phong của một số đảng viên không giữ được tính mẫu mực, đã ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng. Ông PETER HỒNG - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài |