Ủng hộ cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, nhân dân Paris, Pháp, nhiều lần rầm rộ xuống đường biểu tình giương cao cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Nước Mỹ bất ngờ?
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, từ đầu năm 1968 đến những năm 90 của thế kỷ XX, nước Mỹ có hàng ngàn ấn bản phẩm, hàng trăm phim tài liệu đề cập đến sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 (Stanley I. Kutler: Encyclopedia of the Vietnam War, University Wisconsin - Madison, 1995, p.221).
Liên quan đến câu hỏi: Nước Mỹ có bị bất ngờ trước sự kiện Mậu Thân 1968 hay không, tác giả James H. Willbanks trong cuốn The Tet offensive 1968 - A concise history đưa ra không ít nhận định của nhiều tướng lĩnh, sĩ quan và các quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ, kể cả Tổng thống Johnson về vấn đề này. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, trước khi cuộc tổng tiến công nổ ra, CIA đã thu thập được không ít thông tin chứng tỏ đối phương đang chuẩn bị cho một cuộc tiến công quy mô lớn.
Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) lại không tin vào điều đó và cho rằng, cộng sản chưa thể tiến hành một cuộc tiến công quy mô lớn vào dịp tết. Bản thân tướng Westmoreland còn khẳng định, nếu tiến công, cộng sản sẽ không dám tiến công vào thành phố. Vì vậy, Westmoreland vẫn tập trung phần lớn binh lực cho các khu vực dọc biên giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, nơi mà ông cho là mối đe dọa chính của quân Mỹ đang tập trung ở đó.
Chỉ vài ngày trước khi cuộc tiến công nổ ra, tướng Earle Wheeler, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nhận được không ít thông tin về “khả năng cộng sản có thể mở một cuộc tiến công”. Tổng thống Johnson còn cho biết, ông cảm nhận thấy cộng sản đang chuẩn bị một việc gì đó tương tự như vụ máy bay Nhật tiến công Trân Châu Cảng (Don Oberdorfer: Tet! The turning point in Vietnam War, Baltimore, MD: John Hoppkin University Press, 2002, p.120, 121). Mặc dù nhận không ít thông tin về cuộc tiến công quy mô lớn của đối phương, nhưng chính quyền Johnson vẫn quyết định không sử dụng thêm bất kỳ giải pháp nào để chuẩn bị tinh thần cho binh sĩ, thậm chí còn đưa ra những tuyên bố và báo cáo đầy thuyết phục để trấn an dư luận trong nước.
Hà Nội giành thắng lợi to lớn
Sau sự kiện đó, chính giới Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy phân hóa. Đúng như cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower thừa nhận: “Chưa bao giờ nước Mỹ gặp phải tình trạng đáng buồn và bị chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến tranh như hiện nay”. Tại Quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ quả quyết: “Tết Mậu Thân 1968 đã lột bỏ mặt nạ của một ảo tưởng chính trị mà chúng ta che giấu hàng chục năm qua”. Theo Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, bang Minnesota, cuộc tổng tiến công đã chứng minh các báo cáo trước đây của chính quyền là sản phẩm của sự tự lừa dối” (Don Oberdorfer: Tet! The turning point in Vietnam War, Ibid, p.174).
Cùng với sự phân hóa chính trị, nội tình nước Mỹ cũng trở nên phức tạp hơn. Phong trào phản chiến phát triển rộng khắp. Biểu tình, đình công, bãi công diễn ra triền miên. Điển hình có cuộc biểu tình của hàng vạn công nhân, học sinh, sinh viên và hàng ngàn lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam trong ngày 15-10-1968. Kể từ đó, người Mỹ gọi ngày 15 hàng tháng là “ngày đình chiến”. Trong 2 năm 1968, 1969, toàn nước Mỹ có 1.785 cuộc biểu tình của sinh viên; hàng ngàn cuộc biểu tình chống chiến tranh do đơn vị quân đội, cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam tổ chức.
Sử gia William J. Duiker nhận xét: “Muốn đánh giá đúng sự kiện Mậu Thân 1968, chúng ta cần quy nạp quanh nó mọi yếu tố ở mọi tầng nấc và cấp độ khác nhau; chứ không chỉ đơn giản là suy xét ai thiệt hại nhiều hơn trong trận chiến”.
Nếu nhìn sự kiện Mậu Thân 1968 theo quan điểm của William J. Duiker thì cuộc tiến công và nổi dậy là một thắng lợi của Hà Nội. Bởi sau sự kiện đó, Mỹ phải xuống thang chiến tranh, từng bước rút quân về nước. Kết quả cuộc chiến buộc Tổng thống Johnson ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Đây là một thất bại mà chính ông cũng như nhiều tổng thống tiền nhiệm không hề mong muốn.
Đánh giá về sự kiện Tết Mậu Thân không nên chỉ dừng lại ở yếu tố quân sự, mà phải xem xét đến mục tiêu chính trị. Đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mặc dù quân Mỹ và đồng minh gây không ít tổn thất cho đối phương, song theo nhận định và cách nói của nhiều người, Mậu Thân là “tiếng sét làm cả thế giới giật mình; cuộc tổng tiến công mang lại thắng lợi chiến lược hết sức ấn tượng cho cộng sản (Ibid, p.173).
Nhiều chiến lược gia quân sự và chính trị Mỹ nhận xét, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã làm đảo lộn toàn bộ chính sách của Mỹ và tạo cho Hà Nội một luồng sinh khí mới đúng vào thời điểm họ đang gặp khó khăn ở miền Nam. Vì vậy, xét trên bình diện chính trị, chiến lược và cả tâm lý thì cộng sản đã giành thắng lợi quan trọng và cực kỳ to lớn (Virginia Pohle: Viet Cong in Saigon: Tactics and Objectives during the Tet Offensive, Op.cit, p.144).
Hay nhà sử học James R.Arnolt viết: “Có một nghịch lý là một cuộc tiến công nhỏ vào mục tiêu lớn trở thành hành động quyết định trong cuộc chiến tranh, vì nó tác động vào công chúng Mỹ”. Trên thực tế, Tết Mậu Thân 1968 làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược, kết thúc giấc mơ giành thắng lợi bằng leo thang chiến tranh của Mỹ.
Đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã chứng minh tính đúng đắn về chiến lược chiến tranh vì “trước Tết, người Mỹ nghĩ họ có thể giành chiến thắng, nhưng sau Tết, họ nghĩ điều đó là không thể” (Peter Macdonald: Giap: The Victory in Vietnam, New York, 1993, p.268). Don Oberdorfer cũng nói: “Tết Mậu Thân làm hệ thống chính trị nước Mỹ rơi vào tình trạng do dự và lúng túng”.
Tóm lại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đóng vai trò quan trọng trong các quyết định của chính quyền Johnson và cả chính quyền Nixon sau này. Đó là sự kiện dẫn tới việc Mỹ từng bước rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt can thiệp quân sự tại Đông Nam Á. Theo David F.Schmitz, trong Xuân Mậu Thân 1968, tuy cộng sản có tổn thất trên chiến trường, nhưng Chính phủ Mỹ còn mất cái lớn hơn, quan trọng hơn, đó là lòng tin của nhân dân Mỹ.
Tết Mậu Thân 1968 còn là bằng chứng chứng minh cho nước Mỹ thấy: Giành thắng lợi trong cuộc chiến tại Việt Nam là điều không thể. Tác động của nó cũng đã buộc Tổng thống Johnson phải ra đi, mở đầu cho “phi Mỹ hóa” rồi đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Nixson. Song, mọi nỗ lực sau Mậu Thân cũng chỉ là “kéo dài cơn hấp hối”. Việt Nam đã giành thắng lợi cuối cùng vào Xuân 1975 (David F.Schmitz: Tet Offensive: politics, war and public opinion, Lanham MD Rowman, 2005, p.58).