Sáng 30-9, HĐND TPHCM giám sát đối với UBND TPHCM việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì buổi giám sát.
Những kết quả bước đầu
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận, Nghị quyết 131 là Nghị quyết rất quan trọng, tạo điều kiện, mở lối cho TPHCM. Đồng chí đánh giá UBND TPHCM và các sở ngành có nhiều nỗ lực triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Các quận không còn HĐND cũng rất cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình.
Dù vậy, hơn một năm thực hiện Nghị quyết vẫn cho thấy những khó khăn bất cập. “Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phân tích những nội dung cần trung ương tháo gỡ. Một năm qua đã giúp chúng ta có bệ vững chắc ban đầu để năm thứ hai thực hiện hiệu quả hơn”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Theo đồng chí, cần nhìn nhận ở góc độ tích cực của Nghị quyết 131 để tiến lên, vấn đề nào khó thì cùng lên tiếng để tháo gỡ. Trong đó, đồng chí đề nghị UBND TPHCM tiếp tục xây dựng Đề án biên chế hành chính, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định 161/2018 phù hợp với đặc thù của TP”; Đề án xây dựng các huyện thành quận hoặc TP thuộc TPHCM.
Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết tổ chức lại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và đội quản lý trật tự xây dựng đô thị. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phân cấp ủy quyền.
UBND TPHCM cũng cần tăng cường kiểm tra, đánh giá việc khắc phục hạn chế mà các đoàn giám sát, kiểm tra thanh tra đã chỉ ra, liên quan đến cải cách hành chính. Song song đó là tăng cường thanh tra công vụ để hạn chế chuyện nhũng nhiễu, phiền hà; kiểm tra việc thực hiện đối thoại với người dân, doanh nghiệp của Chủ tịch UBND quận, phường.
Nhìn nhận hiện nay đội ngũ cán bộ vừa thừa vừa thiếu, trong đó thiếu người có chuyên môn giỏi, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị quan tâm bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức. Bởi, công việc ngày một áp lực, đòi hỏi ngày càng cao, nếu trình độ không đáp ứng được thì sẽ rất khó.
Với công tác đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của chính quyền, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị xem xét lại cách đánh giá cho thực chất hơn.
Theo đồng chí, kết quả đánh giá hiện nay ở các quận huyện đều trên 90%, các địa phương cũng ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trước, nhưng sự trễ hạn, hẹn tới hẹn lui vẫn còn.
Đồng chí cũng đánh giá cao việc UBND TPHCM dành nhiều thời gian tiếp xúc các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư để lắng nghe. Trong bối cảnh TPHCM đang tập trung phục hồi kinh tế, đồng chí cho biết, đầu tháng 10, HĐND TPHCM sẽ có buổi tiếp xúc doanh nghiệp lĩnh vực du lịch để lắng nghe, ghi nhận những hiến kế chung tay góp sức xây dựng TPHCM.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Trước đó, báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, sau hơn một năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và minh bạch trong quản lý của chính quyền TPHCM được tăng cường.
Song song với việc rà soát, đề xuất trung ương tháo gỡ khó khăn, TPHCM đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các quy định của trung ương vào tình hình thực tế của TPHCM.
Các đại biểu HĐND TPHCM đã đặt vấn đề về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị. ĐB Nguyễn Thị Kim Dung nhìn nhận, khó khăn lớn nhất lên quan đến tài chính và đầu tư công.
Trong khi đó, ĐB Lê Thị Ngọc Thanh đánh giá, việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người dân, có làm, có thực hiện, đảm bảo quy định, nhưng hiệu quả đến đâu, tính lan tỏa đến đâu, người dân đã có thể chủ động tham dự các hội nghị này chưa, cần được đánh giá rõ ràng.
Thông qua các buổi giám sát, ĐB Lê Minh Đức tổng hợp những khó khăn, lúng túng của các quận, phường.
Trong đó, theo ĐB, khó khăn lớn nhất hiện là các quy định pháp luật để triển khai Nghị quyết 131 chưa đồng bộ, có khi ban hành ra có vấn đề còn là rào cản, cản trở công việc, hạn chế tính chủ động của chính quyền địa phương. Nhiều dự án không thể giải ngân, không được ghi vốn để triển khai. Trong khi đó, áp lực công việc lớn, nhiều cán bộ công chức rời bỏ khu vực công.
ĐB Nguyễn Văn Đạt nêu vướng mắc khi phân cấp ủy quyền còn chưa được như kỳ vọng, nhất là ở những lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến người dân như đất đai, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông, môi trường.
Trong khi đó, ĐB Lê Trương Hải Hiếu đề nghị việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp phải thống nhất về đối tượng, phương thức và nguyên tắc đánh giá. Theo đó, cán bộ nào trực tiếp tiếp xúc người dân, doanh nghiệp thì phải lấy ý kiến đánh giá của người dân và doanh nghiệp.
Để tăng cường đối thoại với người dân, theo ĐB bên cạnh đối thoại định kỳ, tiếp xúc theo đơn thư, kiến nghị mà nên có nền tảng nào đó để thường xuyên đối thoại với người dân, doanh nghiệp.
Lập đề án khắc phục tình trạng cán bộ công chức nghỉ việc
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, hai năm qua, hơn 6.000 cán bộ công chức nghỉ việc, có nguyên nhân cá nhân, áp lực công việc, cơ hội thăng tiến. Sở đang tham mưu xây dựng đề án khắc phục tình trạng này, trong đó có những nội dung liên quan đến giải pháp nâng cao thu nhập, cơ hội thăng tiến, thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý. Tháng 10 này, một số đơn vị sẽ tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, trong đó có chức danh lãnh đạo phòng ở một số quận huyện.
Liên quan vấn đề ủy quyền, mới đây, TPHCM đã ủy quyền cho UBND và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức để có thể tự chủ hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Huỳnh Thanh Nhân thông tin thêm về việc đề xuất Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, là Chính phủ trình Quốc hội báo cáo thực hiện Nghị quyết 54, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thêm một năm.
Nghị quyết mới được xây dựng để thay thế Nghị quyết 54 cũng sẽ có nội dung về chính sách thu nhập, hỗ trợ các đơn vị ngành dọc trên địa bàn. Sở Nội vụ TPHCM cũng đã có tờ trình ngày 26-9 để ban hành chế độ chính sách cho lực lượng cán bộ không chuyên trách.
Với các phường xã đông dân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết hướng đề xuất của TPHCM là với xã phường trên 30.000 dân cứ thêm 15.000 dân sẽ tăng thêm một công chức.
Về khó khăn của các quận trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho hay, ngành tài chính đã tham mưu một số giải pháp cấp bách, như đề xuất UBND TPHCM gói điều hành chung cho ngân sách quận để phần nào các quận được chủ động.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Đào Minh Chánh cho hay các dự án 16 quận đã thông qua chủ trương đầu tư, sở đã thống nhất trình UBND TPHCM xem xét trình HĐND TPHCM vào kỳ họp tháng 10 tới đây để ghi vốn thực hiện.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy cho rằng, giải pháp lâu dài là phải đề xuất Luật Tổ chức chính quyền đô thị. Vì hiện nay, dù có cơ chế chính sách đặc thù nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, không đầy đủ, không triệt để, nên khi vận hành gặp vướng mắc, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đô thị. Để có Luật Tổ chức chính quyền đô thị thì phải có thời gian, còn trước mắt có thể đề xuất sửa Nghị quyết 131 để bổ sung thêm chức năng, thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, triển khai mô hình chính quyền đô thị hơn một năm qua, TPHCM đạt được những kết quả nhưng cũng ở trong chừng mực nhất định.
Nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc, bất cập như các đại biểu đã nêu, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không bó tay khi gặp khó”.
Cụ thể, với việc sắp xếp cán bộ dôi dư, nguyên tắc là giảm dần chứ không cắt ngay. UBND TPHCM cũng trình HĐND TP phê duyệt kinh phí bổ sung cho các quận chi đột xuất. Bên cạnh đó, TPHCM cũng mạnh dạn phân cấp, ủy quyền, nhất là cho TP Thủ Đức.
“Tuy nhiên, về lâu dài phải có Luật Chính quyền đô thị, với sự quản lý thống nhất, đồng bộ, hiệu quả cao. Các thành phố trực thuộc trung ương đều rất quan tâm, đồng lòng đề xuất Trung ương”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nói.