- Mứt me làm khó lắm, làm mứt dừa, chuối ngào cho khỏe cái thân.
- Chị nói sao, chứ người nấu ăn hạng bét ở nhà mình rất thích làm mứt me mà?
- Thì chỉ có cô Sáu mới ham làm mứt me...
Cô Sáu đó chính là mẹ của tôi. Mẹ nổi tiếng nấu ăn hay bị lỗi: mẹ mua nhầm con vịt già nên nấu cả buổi con vịt vẫn dai nhách, mẹ hào hứng để mớ bông cải xanh, su su người ta tặng vào nồi lẩu mắm…
Mẹ cũng nhận ra được tài nấu ăn của mình có hạn, nên mẹ quyết tâm khắc phục lỗi lầm. Điều đầu tiên tôi thấy rõ nhất đó là mẹ đi “săn” sách nấu ăn. Nhà tôi ở tít tận vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Tháp. Những năm 1997, 1998 ai trong nhà muốn ra thị trấn hoặc sang xã khác hầu như phải bơi xuồng hoặc đi đò.
Vậy mà mẹ tìm được sách: “Mẹ tìm ở tiệm sách cũ á. Có cuốn “Mứt ngon ngày tết”. Năm nay, mẹ con mình làm mứt me nha”. Nói xong, mẹ tỉ mẩn chặt hai đoạn tre, cắt mấy sợi dây kẽm nẹp lại chỗ gáy sách để sách được bền lâu. Tôi thầm mừng: “Mình sẽ được ăn món mứt me do mẹ làm. Tết này được đổi món, không chỉ ăn mứt bí, mứt dừa hay mứt gừng cay xè nữa”.
Mẹ đọc công thức rồi tính: “Để mai mẹ thông báo cho học trò, nhà đứa nào có me làm mứt thì hái bán cho mẹ. Chứ sáng mẹ đi dạy rồi, chờ cuối tuần thì không kịp tết”.
Nghe cô giáo muốn mua me làm mứt, mấy anh chị học trò nhiệt tình xách mấy rổ me, lội bộ tới trước cửa nhà í ới gọi mẹ tôi để giao me. Có thêm tiền mua cà rem từ việc bán me, ai cũng cười tít cả mắt.
Mẹ giao cho tôi phụ mẹ lột vỏ me. Me được chần qua nước nóng, rồi tôi và mẹ bắt đầu công đoạn rũ bỏ “lớp áo” của trái me. Cạo được tầm hai anh em nhà trái me là tôi đã như muốn thấy mấy trăm ông sao. Mẹ thì vẫn say sưa: “Chút mẹ tách hột cho. Cái khâu này phải cẩn thận thì trái me mới đều, mới “đẹp trai, đẹp gái” được”.
Qua rất nhiều công đoạn mới đến khúc mẹ bắc chảo to để sên mứt. Tôi chạy khắp nhà khoe tết năm nay nhà mình có mứt me luôn. Ở cái góc nhỏ nơi miền quê nghèo, qua từng món mứt tự tay làm, mẹ đã vén cửa sổ để tôi có thể nhìn ra ngoài kia bao la rộng lớn.
Chạy mấy vòng khoe mứt, tôi trở lại bếp và hỏi mẹ ngay: “Mình ăn mứt me được chưa mẹ?”. Mẹ cười đầy dí dỏm rồi đưa tôi dĩa mứt mẹ làm. Mứt me từ trong sách “bước ra đời thực” dưới bàn tay của mẹ tôi nó khác lắm. Tôi nhìn trái mứt me rời khúc khúc, lòng cũng đứt từng đoạn. Thấy cái mặt buồn thiu của tôi, mẹ an ủi: “Để mẹ làm lại. Do lúc sên mứt, mẹ đảo hơi mạnh tay”.
Lần thứ hai, mứt me của mẹ đã thay đổi ngoạn mục. Mẹ cầm hũ mứt me kèm cái muỗng, mẹ nói: “Lần này mẹ không biết rút kinh nghiệm sao luôn. Nó nát còn hơn lần trước nên thôi coi như mẹ làm me ngào đường. Con thích thì múc ăn, không thì pha đá me uống cũng được”. Nhìn thấy tôi cầm hũ mứt me của mẹ, bà ngoại lắc đầu: “Bày chi ba cái mứt me rồi bắt con nhỏ ăn”. Tết của tôi đầy ắp cung bậc cảm xúc vì món quà mứt me “liên khúc”, mứt me “sinh tố” của mẹ.
Tôi mè nheo: “Thôi mẹ làm gì làm, đừng làm mứt me nữa nha”. Câu nói nửa đùa nửa thiệt của tôi, mẹ nghe xong, tự ái hay sao mà… đi luôn. Từ mẻ mứt me năm đó, mẹ đã không làm thêm mẻ nào nữa. Mẹ đã về trời nấu bếp sau tai nạn trong chuyến công tác sau đó vài năm. Để những ngày giáp tết, tôi chỉ có thể vỗ về trái tim mình bằng những kỷ niệm cùng mẹ làm mứt bên chái bếp hiên nhà.
Sau này, tôi mới biết ngày đó chợ thị trấn đã có bán mứt me ngon bá cháy,… mẹ vẫn bỏ qua món bán sẵn, mặc kệ biết trước kết quả món ăn có thể sẽ không ngon, không đẹp nhưng vẫn bày ra để tôi cùng làm. Với mẹ, việc cho tôi có kỷ niệm ngày tết nó quan trọng lắm. Mẹ làm mọi thứ, nỗ lực bù đắp tinh thần cho đứa con gái sớm vắng tình thương của ba.
Đến giờ phút này, thú thật, tôi không thể nhớ nổi hương vị món mứt me “liên khúc” nó ra sao. Nhưng chắc chắn, giây phút được bên cạnh mẹ chuẩn bị món ăn ngày tết thì theo tôi mãi. Có thể mẻ mứt me đầy lỗi và mong muốn được sửa sai của mẹ đã không thành. Nhưng giây phút được ngồi bên mẹ làm mứt me đậm mùi tết, hồn tết mãi ấm áp, tròn vẹn trong trái tim tôi.
NGUYỄN HỒNG THẮM
hongtham142@gmail.com