Phiên tòa này có đến 60 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo và hầu hết đều kêu oan cho bị cáo, nhưng cuối cùng vì sao cả 2 cấp xét xử vẫn tuyên các bị cáo phạm tội?
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia thuế lý giải: Thứ nhất, dù có đứng tên giùm người khác đi nữa, nhưng trước pháp luật (mối quan hệ Nhà nước và công dân) thì Nhà nước chỉ xác định người nộp thuế là người đứng tên trên giấy tờ nhà đất, đó là người phải có trách nhiệm khai nộp thuế. Còn quan hệ nhờ người khác đứng tên (quan hệ giữa các cá nhân với nhau), dù có lập chứng từ, thì đó là quan hệ dân sự, chỉ phục vụ cho việc xác định ai sở hữu “giá trị” tài sản (số tiền) mà thôi.
Do vậy, nếu người đứng tên trong sổ đỏ nợ thuế thì Nhà nước chỉ thực hiện cưỡng chế thuế đối với người đứng tên trong sổ đỏ (chứ không phải đối với người thứ ba). Từ đó, nếu tài sản đó không được khai thuế đầy đủ thì cơ quan nhà nước sẽ xử lý hình sự người đứng tên trong sổ - vì họ mới là người được nhà nước ghi nhận là chủ sở hữu hợp pháp.
Thứ hai, dù người mua không được lợi về thuế (thuế thu nhập cá nhân do bên bán nộp), nhưng bên mua vẫn bị xử lý hình sự về tội trốn thuế với vai trò đồng phạm là vì nếu “bản hợp đồng ghi không đúng giá trị thật” không được bên mua đồng ý ký thì bên bán sẽ không thể trốn thuế được. Còn việc xác định các bên có khai thuế đúng giá mua bán hay không, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào hợp đồng giấy tờ khai với cơ quan thuế có khớp với các hợp đồng, giấy tờ mua bán khác hay không (như giấy đặt cọc, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…).
Điều 7 Luật Quản lý thuế 2006 (nay là Điều 17) còn quy định rõ trách nhiệm người nộp thuế là “chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế”. Do vậy, nếu người nộp thuế khai không đúng giá mà cơ quan nhà nước có đủ cơ sở xác định là khai gian, thì căn cứ số tiền thất thu thuế trên 100 triệu đồng thì xử lý hình sự về tội trốn thuế; dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính và vi phạm hành chính 2 lần là xử lý hình sự.
Luật đã rõ, nhưng vụ án trốn thuế này do chính luật sư phạm tội và có gần 60 luật sư tham gia bào chữa, đã biến phiên tòa trở thành lạ nhất: đông luật sư nhất, bài phát biểu của luật sư - bị cáo dài nhất (chiếm hết một buổi xử) và có những yêu cầu lạ đời nhất (đã không được chấp nhận) và khiến dư luận quan tâm nhất vì… việc trốn thuế lâu nay vốn thường diễn ra nhưng rất ít trường hợp bị phát hiện xử lý!