
Chương trình tọa đàm xoay quanh 3 chủ đề chính: Miền Bắc – hậu phương vững chắc; Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Các nhân chứng lịch sử đã chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về một thời bom đạn, những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc.
Đặc biệt, câu chuyện về xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 đã tái hiện lại khoảnh khắc lịch sử đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng huyền thoại, xúc động chia sẻ: "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến, nhưng có lẽ khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập là khúc cua đẹp nhất đời tôi".
Tọa đàm còn có sự tham gia của những nhân chứng từng trực tiếp chiến đấu trên nhiều mặt trận. Bà Đặng Thị Tỵ, nữ dân quân phòng không 12,7 ly, kể về phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Sang, Trưởng đoàn tàu “Ba đảm đang”, hồi tưởng những chuyến tàu đưa hàng vạn thanh niên vào chiến trường. Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kể lại trận đánh lịch sử bắn rơi 4 máy bay B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972…

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Hà Nội cũng tổ chức triển lãm “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”, trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhân dịp này, bảo tàng đã tiếp nhận nhiều hiện vật, thư từ, nhật ký, kỷ vật chiến tranh do các tổ chức, cá nhân hiến tặng.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nêu rõ, chương trình không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức lịch sử hào hùng mà còn là cơ hội để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường của cha ông ta.