- Chủ nhà quá mạnh
Sức mạnh của làng thể thao Trung Quốc vốn đã được khẳng định ở Olympic Bắc Kinh 2008 - khi họ qua mặt làng thể thao Mỹ để bước lên địa vị thống trị thế giới lần đầu tiên với 51 HCV, trong khi Mỹ chỉ có 36 HCV. Ở đấu trường cấp thế giới vốn đã thế, có thể hiểu ở đấu trường cấp châu lục, thể thao Trung Quốc còn vượt trội đến như thế nào.
Thế là với ưu thế sân nhà, khán giả nhà, với nhiều tài năng chói sáng, cộng thêm một số ưu đãi mang tính “chủ quan” khác (như trọng tài, như việc đưa vào Đại hội một số môn thi có thế mạnh), đoàn thể thao Trung Quốc đã đạt cột mốc kỷ lục không tưởng ở một kỳ Asian Games với… 199 HCV, thậm chí cả số HCB lẫn số HCĐ của họ cũng gia tăng rất nhiều. Đó là lý do, từ khoảng cách 108 HCV so với Hàn Quốc - xếp thứ nhì ở Asian Games Doha 2006, Trung Quốc đã tạo ra khoảng cách lên đến… 123 HCV cũng lại trước thể thao Hàn Quốc (lần thứ 4 liên tiếp xếp thứ nhì sau thể thao Trung Quốc ở 5 kỳ Asiad gần đây).
“Mỏ vàng” của thể thao Trung Quốc tập trung trong các môn bơi lội (24 HCV, thắng gần tuyệt đối ở các cự ly dành cho nữ), bắn súng (21 HCV), điền kinh (13 HCV), thể dục nghệ thuật (13 HCV), khiêu vũ thể thao (10 HCV), nhảy cầu (10 HCV), đua thuyền (10 HCV), cử tạ (8 HCV), bóng bàn (thắng trọn vẹn 7 HCV).
Tất nhiên, trong số này, chỉ có những chiếc HCV ở các môn bơi lội (đặc biệt nhất là bơi lội nữ), điền kinh, bắn súng, nhảy cầu, cử tạ, bóng bàn là có giá trị đặc biệt vì là những môn đấu chính quy ở các kỳ Olympic, nó phản ánh mặt bằng chung của thể thao Trung Quốc ở tầm thế giới. Với tiềm lực thế này, khoảng 10-15 năm nữa, Trung Quốc có thể tạo ra một cơn mưa kỷ lục huy chương thậm chí là ở… Olympic chứ không chỉ như ở Asiad thế này…
- Bức tường thành Trung Hoa
Sáng hôm 19-11 (ngày thi đấu thứ 7 của Đại hội), khi chứng kiến thể thao Trung Quốc đạt cột mốc 100 HCV, đại diện của thể thao Nhật Bản đã buộc phải thừa nhận là Trung Quốc quá mạnh trong sân chơi cấp châu lục, trong khi các làng thể thao vốn được đánh giá là “kình địch” với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc lại toàn chỉ đi… “nhặt” bạc và đồng.
Ông Noriyuki Ichira khi đó chỉ còn biết… lắc đầu cho biết: “Thể thao Trung Quốc đã gặt hái được chiếc HCV thứ 100, trong lúc Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ toàn vớ được bạc và đồng và rất khó để tìm HCV (lúc đó Hàn Quốc chưa vượt được cột mốc 30 HCV, còn Nhật Bản chưa vượt được cột mốc 20 HCV). Bức tường thành Trung Hoa quá dày, nó đủ sức ngăn trở không chỉ Nhật Bản mà còn các làng thể thao khác. Các VĐV Trung Quốc dường như đã tập luyện rất cật lực chỉ để cống hiến hết mình ở Asian Games lần này. Họ thi đấu rất tự tin và luôn được ủng hộ của khán giả nhà ở tất cả các địa điểm thi đấu.
Sau khi đạt được bước tăng trưởng kinh tế rõ rệt, họ đã mở cửa đưa về quê nhà nhiều HLV ngoại tài năng với tham vọng biến thể thao thành thương hiệu thứ 2 sau kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến phương hướng phát triển chung này trên toàn châu Á, nhưng không ở đâu lại mạnh mẽ như ở Trung Quốc”.
Người Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành vốn là một đặc trưng có 1 không 2 trong lịch sử, trong truyền thống văn hóa của họ. Giờ đây, nếu bạn thử nhìn vào “ngọn núi” 199 HCV và bản danh sách dài sọc ghi tên những VĐV Trung Quốc đã giành được huy chương ở Asian Games (hơn 400 người), bạn sẽ lại được nhìn thấy một “bức tường thành Trung Quốc” thứ 2 nằm ở trong lĩnh vực thể thao!
HOÀNG DƯƠNG
|