Trong đó, cần chú trọng công tác cải cách hành chính đồng bộ, xuyên suốt; thay đổi phương pháp đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN nội… Báo SGGP xin gửi tới bạn đọc một số ý kiến:
“Đào tạo kép”, nâng chất nguồn nhân lực
TPHCM xác định, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu nhằm phát triển lực lượng lao động có kiến thức, nắm bắt khoa học công nghệ, có tay nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao. Hơn 2 năm qua, TPHCM đã nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, từ 72,39% (cuối năm 2015) lên hơn 78% (năm 2017). Đến tháng 3-2018, có khoảng 3,4 triệu người (trong hơn 4,4 triệu người đang làm việc) lao động đã qua đào tạo. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn cao hơn.
Tuy nhiên, nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn TP cũng còn không ít hạn chế. Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa hiệu quả. Tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, muốn con em vào bậc đại học nhiều hơn và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu.
Từ nay đến năm 2020, TPHCM sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động theo hướng tự chủ tài chính. Song song với việc xây dựng 12 trường có chất lượng cao, TP cũng sẽ giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Việc đào tạo theo nhu cầu của DN tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra. Thí điểm thực hiện mô hình “đào tạo kép” giữa các trường cao đẳng, trung cấp với các DN trên địa bàn TP. Học sinh, sinh viên vừa học ở trường và vừa học - làm ở DN, tăng thời lượng thực hành. TP gắn kết chặt chẽ với DN trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu về nhân lực; tổ chức cho lao động thực tập, đánh giá kết quả đào tạo để nâng dần sự tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM)
Phân luồng học sinh hiệu quả
Phân luồng học sinh hiệu quả
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chuẩn, chất lượng cho TPHCM, việc đào tạo ở nhà trường đã có bước thay đổi lớn. Nhà trường gắn kết với DN, cùng DN đào tạo, giúp người học được rèn tay nghề thực tế ngay khi đang học. Nhờ bám sát nhu cầu DN, 100% sinh viên ra trường có việc làm, đào tạo ra đến đâu, DN nhận hết đến đó, có khi không đáp ứng đủ. Cơ hội việc làm luôn rộng mở, đầu ra không sợ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Một điểm đáng mừng khác, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt đầu thực hiện xanh hóa khuôn viên trường học, tất cả nội dung giảng dạy đều được lồng ghép các kỹ năng xanh. Từ việc quấn mô tơ, động cơ, thay các bo mạch… được sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường; đến đơn giản như giẻ lau bảng cũng được thay thế bằng loại giẻ có thể phân hủy, phân loại rác tại nơi làm việc.
Tôi tin tưởng khi người lao động được trau dồi kỹ năng, kỷ luật lao động an toàn, sử dụng nguyên liệu thân thiện, bảo vệ môi trường… thì TP sẽ “bội thu” nguồn nhân lực xanh, phục vụ phát triển nền kinh tế xanh.
Có điều, đầu vào thường khó vì phụ huynh, học sinh vẫn thích học đại học, dù cơ hội việc làm khi cầm bằng cử nhân không phải lúc nào cũng chắc chắn như học nghề. Vì vậy, tôi mong muốn TP phân luồng học sinh sau bậc trung học hiệu quả; đồng thời tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, ý thức về học nghề của phụ huynh và học sinh.
TS Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TPHCM)
Phát triển các trung tâm khu vực
TPHCM đã giảm được nhiều điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, TP cần chú trọng kết nối theo mô hình phát triển đô thị phân tán, đa trung tâm, kết hợp với phát triển định hướng giao thông công cộng. TP cũng cần đẩy mạnh liên kết, liên thông hạ tầng để giảm tình trạng “thắt nút cổ chai” tại các cửa ngõ. Cùng với đó, TP xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân để góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Để củng cố mô hình TP phát triển tập trung đa cực, tôi kiến nghị sớm đầu tư vào các trung tâm khu vực như Khu đô thị Khoa học công nghệ cao (quận 9) kết nối với khu vực Đông Nam bộ và là trung tâm khu vực; Khu đô thị Tân Tạo - Tân Kiên kết nối với đồng bằng sông Cửu Long để sớm hình thành “hình thái đô thị đa trung tâm” theo quy hoạch… Từ đó, góp phần giảm căn bản vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
Ngoài ra, TP cần tiếp tục phối hợp với các bộ ngành trung ương và địa phương trong vùng tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, đường sắt đô thị, phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển - đường sông... để phục vụ tất cả nhu cầu của người dân, đồng thời phát triển các trung tâm khu vực.
Ông Nguyễn Đăng Sơn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Cải cách hành chính xuyên suốt và đồng bộ
TPHCM muốn cải cách hành chính thành công, cần có cái nhìn tổng thể về các nguyên tắc, luật lệ (gọi chung là pháp luật) điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế. Pháp luật có vai trò quan trọng thúc đẩy hoặc làm trì trệ quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cần nhận diện nguồn gốc ban hành, nội dung quy định, điều kiện thực hiện và thẩm quyền giải quyết của pháp luật để xác định đâu là khâu cần cải cách, trọng tâm của cải cách sao cho tiện lợi cho người dân và DN.
Bộ máy quản lý nhà nước phân chia theo chiều dọc (từ trung ương đến địa phương) và chiều ngang (giữa các cơ quan đồng cấp của trung ương, địa phương với nhau) quy định việc ban hành, thực thi, kiểm soát các nguyên tắc, luật lệ. Ở nước ta, cơ cấu quản lý nhà nước phân chia chiều dọc, chưa có sự tách bạch về nhân sự giữa 2 cơ quan hành pháp và lập pháp nên chức năng giám sát chưa hiệu quả. Phân cấp quản lý nhà nước theo chiều ngang thể hiện qua việc ban hành văn bản hướng dẫn và thực thi pháp luật chưa đồng bộ, thiếu liên kết giữa các ngành, các cấp. Có những chức năng quản lý nhà nước thì nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng có những chức năng chưa rõ cơ quan chủ trì. Đây là nguyên nhân dẫn đến “độ trễ” chính sách, gây khó khăn về thủ tục hành chính, trì trệ các hoạt động kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Hệ thống các nguyên tắc bao gồm hiến pháp, pháp luật, thông tư, nghị định, quyết định, quy chế, quy trình, quy định điều chỉnh các hoạt động kinh tế về quyền sở hữu tài sản; điều kiện kinh doanh, quyền cấp phép kinh doanh; chế độ báo cáo, nghĩa vụ thuế; kết thúc hoạt động kinh doanh (phá sản); bảo hiểm rủi ro; các chính sách khuyến khích ưu đãi, hạn chế kinh doanh… Dễ thấy, hệ thống các nguyên tắc này được cấu thành quá phức tạp, nhiều cấp ban hành, chồng chéo, dễ bị cài cắm lợi ích nhóm… là nguyên nhân gây ra sự phiền hà và chi phí không chính thức đối với người dân và DN.
Trong khi đó, chính sách ban hành rất khó đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Bởi thực tiễn luôn phát sinh vấn đề mới có thể làm chính sách dần trở nên lạc hậu, cần điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, cần phải xây dựng kênh phản hồi từ đối tượng được điều chỉnh đến cơ quan ban hành hiệu quả, điều này vốn chưa được chú trọng đúng mức trong thời gian qua.
TPHCM muốn cải cách hành chính, cần tầm nhìn tổng thể và sâu sắc, từ khâu xây dựng các văn bản pháp luật có chất lượng, đến khâu thực thi chính sách. Trước hết, tổ chức quản lý nhà nước phải tách bạch về nhân sự giữa cơ quan hành pháp và lập pháp nhằm đảm bảo tính khách quan trong ban hành luật, đảm bảo hiệu quả của các cơ quan giám sát thực thi chính sách. Hơn nữa, thường xuyên rà soát sự chồng chéo trong phân cấp quản lý nhà nước để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, giảm bớt số lượng cơ quan ban hành văn bản pháp luật để tránh sự thiếu nhất quán và xung đột giữa các quy định pháp luật.
Bộ máy hành pháp cần thiết kế theo hướng thông suốt, không chồng chéo trong quản lý nhà nước. Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của công chức. Muốn vậy, TPHCM phải cải cách chế độ tiền lương theo hướng đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức và đi kèm với chế tài xử phạt nặng đối với hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Việc tăng lương phải đi kèm với tinh giản bộ máy hành chính. Cuối cùng là TPHCM nên xây dựng các kênh tiếp nhận phản hồi chính sách từ người dân để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Kênh phản hồi nên được thiết lập qua trung gian các hiệp hội ngành nghề, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận phản hồi nhanh chóng và hiệu quả. Cần xây dựng quy chế để điều chỉnh hoạt động tiếp nhận và xử lý phản ánh về chính sách đã ban hành.
TS Huỳnh Thanh Điền (Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2018)