Nhiều ý kiến ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Dự thảo vẫn thiết kế 2 phương án, trong đó phương án 2 là giữ như quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, chấp nhận một nồng độ cồn nhất định. Tại hội nghị, cũng còn những băn khoăn xung quanh vấn đề này. 

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra sáng 27-3, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thống nhất với phương án cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu nhất trí với quan điểm này, song cũng có một số vị đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

ĐB Dự 27.jpeg
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Cơ quan thẩm tra dự án luật đã nêu rõ ưu - nhược điểm của cả 2 quan điểm trên.

Theo đó, việc tiếp tục quy định cấm này là một trong những giải pháp căn cơ góp phần thay đổi văn hóa, thói quen uống rượu, bia, đặc biệt là uống rượu, bia rồi thì không được lái xe.

Việc hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” có thể là một quá trình lâu dài, nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, tình hình giao thông của Việt Nam. Mặt khác, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc xử lý. Hơn nữa, việc quy định ngưỡng có nhiều hạn chế, trong đó có việc lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân khi đã dày công tuyên truyền, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”.

Thường trực cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, quá trình thảo luận vẫn có ý kiến khác nên dự thảo vẫn thiết kế 2 phương án, trong đó phương án 2 là giữ như như quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.

HOÀ 27.jpeg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) có quan điểm khác với cơ quan thẩm tra. Đại biểu đề nghị chấp nhận một ngưỡng nhất định nồng độ cồn, vì thực tiễn cấm hoàn toàn là khó khả thi. Có trường hợp sử dụng rượu bia từ tối hôm trước, sáng hôm sau vẫn còn tồn dư nồng độ cồn nhỏ trong máu/ hơi thở, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn…

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, ban đầu ông cũng nghiêng về phương án có quy định ngưỡng, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, toàn diện vấn đề, ông thay đổi quan điểm, tán thành phương án 1. “Với phương châm tính mạng con người là trên hết, trước hết, tôi đồng ý phương án 1. Thực ra khi đã uống rồi thì rất khó biết bao nhiêu là dưới ngưỡng, bao nhiêu là vượt ngưỡng”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng ý phương án 1, nhưng đề nghị có mức phạt khác nhau đối với từng đối tượng, mức độ vi phạm. “Tôi đề nghị chỉ tước bằng với những người hành nghề kinh doanh vận tải, xe chở khách; còn người lái xe máy cá nhân vi phạm nhẹ có thể phạt hành chính thôi”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục