Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội. Việc lấy ý kiến kết thúc ngày 25-11, sau đó được hoàn thiện trình Thủ tướng ký ban hành thay thế Nghị định số 138 năm 2013.
Dự thảo đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý và được xã hội quan tâm nhất là mức xử phạt về học thêm, lạm thu, xúc phạm nhân phẩm danh dự giáo viên và người học.
Cụ thể, dự thảo nghị định nêu tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm phải xin lỗi công khai. Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy 1-6 tháng.
Một nội dung khác cũng được xã hội quan tâm là dự kiến về mức phạt đối với hành vi dạy thêm không đúng quy định.
Theo dự thảo nghị định, hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất bị phạt 2-3 triệu đồng; không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm bị phạt 2-4 triệu đồng. Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường bị phạt 3-5 triệu đồng. Người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định bị phạt 4-6 triệu đồng; tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa phạt 6-8 triệu. Hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm, không đúng đối tượng hoặc nội dung đã được cấp phép, bị phạt 6-8 triệu đồng. Trường trung cấp, cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông bị phạt 8-10 triệu đồng. Hành vi tổ chức dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, ép buộc học sinh học thêm, dạy thêm khi chưa được cấp phép bị phạt 8-10 triệu đồng. Hình phạt bổ sung với nhóm sai phạm về dạy thêm là tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm 6-12 tháng hoặc đình chỉ dạy thêm 12-24 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm. Cơ sở dạy thêm chưa được cấp phép buộc giải thể. Giáo viên dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày bị phạt 5-6 triệu đồng. Hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước chương trình chính khóa bị phạt 6-8 triệu đồng…
Dự thảo cũng nêu các mức phạt về lạm thu. Cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng nếu không công khai thu, chi tài chính theo quy định hoặc không thông báo trước dự kiến học phí toàn khóa học và lộ trình tăng học phí. Với hành vi chi sai, tổ chức, cá nhân vi phạm bị phạt 10-15 triệu đồng. Với việc tổ chức thu các khoản sai quy định, trường học cũng bị phạt 15-20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc thu hồi, nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản chi không đúng quy định; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại…
Phạt thầy cô đánh học sinh: Học sinh cá biệt sẽ càng hư?
Dự thảo Nghị định này đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến tán thành cần có những mức xử phạt cụ thể để hạn chế các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục đang diễn ra khá phố biển hiện nay, khiến xã hội bức xúc. Nhưng cũng rất nhiều ý kiến không tán thành việc xử phạt nhất là đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.
Theo đó, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy 1-6 tháng. Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, nếu áp dụng quy định này, nhiều giáo viên sẽ bị áp lực, trở lên e dè trong việc dạy dỗ học sinh, không dám “sửa sai” lỗi của học trò, dẫn đến hệ lụy là học trò hư.
“Giáo viên lỡ kéo tai học sinh chẳng hạn có thể bị quy tội đánh học sinh và bị phạt 20-30 triệu đồng, rồi phải công khai xin lỗi học sinh, thậm chí bị đình chỉ công tác. Quy định này chắc chắn khiến nhiều giáo viên “kệ” học sinh cá biệt để không bị phạt”, anh Nguyễn Văn Kiên (quận Ba Đình, Hà Nội) nêu ý kiến.
Nhiều người chung quan điểm giáo viên nếu không kiềm chế mà lỡ đánh học sinh sẽ bị phạt 30 triệu đồng chỉ khiến học sinh ngày càng khó dạy hơn. Điều này dường như ngược lại với truyền thống "tôn sư trọng đạo", giáo viên sẽ phải e dè học sinh cá biệt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định xử phạt đó là hợp lý. Bởi đã đến lúc giáo viên cần tuân thủ đúng các quy định, nếu học sinh hư, không tuân thủ kỷ luật sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị đuổi học thay vì chịu sự xúc phạm, xâm phạm của thầy cô.
Bên cạnh các ý kiến băn khoăn về việc xử phạt các thầy cô có hành vi xúc phạm, xâm phạm học sinh, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định phạt về học thêm dường như không khả thi. Một là các mức phạt không có tác dụng răn đe, vì quá thấp so với lợi nhuận dạy thêm. Hai là mức xử phạt đối với hành vi “ép buộc học sinh học thêm, dạy thêm khi chưa được cấp phép” khó diễn ra trong thực tế, bởi việc ép học thêm, nếu có, thực tế đều được hợp lý hóa bởi các đơn tình nguyện xin học thêm của người học.