Sáng 7-5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức hội nghị phản biện dự án bất động sản và bến du thuyền ven sông Hàn.
Buổi phản biện kéo dài từ 8 giờ đến 12 giờ 15 phút cùng ngày, với 16 ý kiến. Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ các trường đại học, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư… đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các dự án thực hiện lấn sông là ảnh hưởng đến dòng chảy, đe dọa xói lở cầu Thuận Phước và gây bồi lắng cảng nước sâu Tiên Sa.
Hội nghị phản biện dự án bất động sản và bến du thuyền ven sông Hàn
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học cho rằng, diện tích dự án bến du thuyền Marina Complex diện tích nhỏ nên tác động không lớn đến dòng chảy của sông Hàn. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, TP Đà Nẵng cũng như các nhà nghiên cứu cần cân nhắc giữa yếu tố bảo tồn và phát triển để làm sao đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương, quyền lợi nhà đầu tư và quyền lợi của cộng đồng.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng góp ý kiến
Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, thời gian qua lãnh đạo thành phố đã thể hiện rất rõ tinh thần thực sự cầu thị và biết lắng nghe ý kiến người dân. Lời khẳng định trong cuộc tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa về chủ trương không chỉ rà soát riêng dự án lấn sông đang được dư luận rất quan tâm như Dự án Marina Complex, mà còn rà soát lại tất cả các dự án ven sông Hàn là một dẫn chứng... Điều này chứng tỏ Đà Nẵng luôn vì lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững, đồng thời chứng tỏ lãnh đạo thành phố đang có quyết tâm rất cao.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Ngọc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, cần nghiên cứu bài bản về những tác động của dự án ven sông Hàn đối với dòng chảy và cảnh quan. Theo Tiến sĩ Ngọc, trên thế giới không ai lấn sông để làm dự án cả. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngọc cho rằng, không chỉ các dự án ở cửa sông Hàn mà 10 dự án khác về phía thượng nguồn, trong đó có dự án lấn ở ngã ba sông Hàn - sông Cổ Cò - sông Cẩm lệ cả trăm mét để làm khu đô thị, đã tác động rất lớn đến dòng chảy, khả năng thoát lũ của dòng sông.
KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam
KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng, 13 dự án ven sông Hàn đã lấp 2.000ha mặt nước. Về mặt pháp lý, quy hoạch chung TP Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 2003 không có các dự án lấn sông. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2013, Thủ tướng quy phê duyệt quy hoạch chung của thành phố thì có nhiều dự án lấn sông. Theo KTS Hoàng Sừ, điều chỉnh quy hoạch chung năm 2012 dường như để hợp thức hóa các dự án lấn sông này. Vì vậy, KTS Hoàng Sừ cho rằng nên thuê tư vấn có đủ kinh nghiệm để cập nhật toàn bộ số liệu đầu vào cho chính xác. Về phía chủ đầu tư, TP Đà Nẵng phải chấp nhận sửa sai, đền bù cho doanh nghiệp.
PGS.TS Lê Song Giang, Đại học Bách khoa TPHCM
Trong khi đó, 3 chuyên gia về thủy lợi gồm Tiến sĩ Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; GS.TS Phạm Thị Hương Lan, Trường Đại học Thủy lợi và PGS.TS Lê Song Giang, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đưa ra nhiều phép tính khoa học và khẳng định mức độ ảnh hưởng của công trình là không lớn.
TS Trần Đình Thiên cho rằng cần cân nhắc giữa yếu tố bảo tồn và phát triển để không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư TP Đà Nẵng
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nêu rõ quan điểm để có sự phát triển cần chấp nhận sự đánh đổi, nếu đó là đánh đổi cái nhỏ để được cái lớn hơn. Cũng theo TS Thiên, đối với tâm lý xã hội hiện nay, tính bất bình và tính kích động rất cao nên khi phản biện dự án này không nên dùng thuật ngữ và tình cảm để đánh vào tâm lý xã hội và phải dựa vào cơ sở khoa học. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, dùng từ này, từ kia nặng về tình cảm mà thiếu luận cứ khoa học để phản đối dự án là không đủ và ngăn cản sự phát triển.
TS. Trần Đình Thiên khẳng định cho rằng, tác động đến môi trường kinh doanh là tác động đặc biệt lớn đến tương lai Đà Nẵng. Do đó, ông Thiên đề nghị cần nhìn các nhà đầu tư với con mắt là động lực của sự phát triển và đề nghị Đà Nẵng giữ cho được nhà đầu tư để tạo động lực cho sự phát triển. "Đà Nẵng suốt 10 năm trời được đánh giá là môi trường đầu tư tốt nhất, thậm chí nhiều hơn nữa. Mà bây giờ theo ý kiến nói tất cả các dự án 2 bên bờ sông Hàn phải hồi tố lại hết, cái đó thì quả thật đầy rủi ro! Có cần phải ngoại vi phát triển đều phải thế không? Tôi nghĩ chính quyền Đà Nẵng cần có thái độ xử sự nghiêm túc. Tôi đồng ý với ý kiến bảo vệ sông Hàn, nhưng cũng cần phải nhìn nhà đầu tư với tư cách là động lực phát triển, một lực lượng phát triển để bảo vệ nhà đầu tư. Nên tôi đề nghị chính quyền Đà Nẵng giữ được môi trường đầu tư. Còn các ý kiến khác căn cứ vào luận cứ khoa học để chúng ta có kết luận", TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn góp ý.
Kết luận hội nghị, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, sau hội nghị này, MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến trên cơ sở khách quan, công tâm vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của thành phố để gửi đến lãnh đạo và ngành chức năng của thành phố xem xét, nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp khả thi và hữu hiệu nhất. Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận thành phố xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi UBND thành phố (theo quy định chậm nhất 7 ngày) sau khi kết thúc hội nghị. Đề nghị UBND thành phố phải trả lời bằng văn bản về Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sau 10 ngày; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày để Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận thành phố có trách nhiệm theo dõi việc tiếp thu, giải trình đối với những ý kiến phản biện xã hội tại hội nghị này.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng:
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo lần này là rất tâm huyết, có cơ sở khoa học, mang tính xây dựng cao và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của thành phố.
Đối với nội dung của hội thảo hôm nay xung quanh vấn đề các dự án lấn sông Hàn mà thời gian qua các nhà khoa học, người dân và dư luận quan tâm, đặc biệt Thủ tướng chính phủ cũng đã yêu cầu thành phố ra soát báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất; qua các nội dung trao đổi tại hội thảo cũng như các báo cáo giải trình của các cơ quan chuyên môn tôi xin được làm rõ thêm một số nội dung như sau:
Dự án Marina Complex và dự án Olalani đã có trong quy hoạch chung do Thủ tướng phê duyệt năm 2013; đã được thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và Bán đảo Sơn Trà do thành phố phê duyệt năm 2017. Dự án đã hoàn thành các đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết. Ranh giới phần lấn sông của dự án được xác định trên cơ sở của tuyến kè Mân Quan nối tiếp tuyến kè Bạch Đằng Đông là dự án được thực hiện theo chương trình phòng chống Biến đổi khí hậu, chống sạt lỡ toàn bộ khu vực bờ sông Phía Đông sông Hàn. Dự án đã được sự thống nhất các sở, ban ngành và Bộ NN-PTNT nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông.
Tuy nhiên trước những kiến nghị của người dân, của các nhà khoa học và dư luận, thành phố kịp thời tạm dừng các dự án này để rà soát, mục đích nhằm tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian đáp ứng được nguyện vọng của người dân theo đúng tinh thần của thông báo 331 của Thành ủy Đà Nẵng. Đó là nhất quán quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Trên cơ sở sẽ sớm để xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đàm phán với nhà đầu tư một phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm thế nào đó để tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn; và đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.