Cần xem xét việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi
Tại hội nghị, Thượng tá Hồ Thị Lành, Phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM, cho biết, việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là để đảm bảo quyền của nhân dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Luật CCCD sửa đổi là phù hợp với xu hướng và thiết thực cho việc chuyển đổi số của quốc gia
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương phát biểu. Ảnh: THẢO LÊ |
Góp ý dự án luật, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương bày tỏ ủng hộ việc sửa đổi luật nhưng đề nghị nghiên cứu tính khả thi khi cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi.
“Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự. Trường hợp được cấp thẻ CCCD thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ. Do đó, cần cân nhắc thêm về vấn đề này”, bà Ung Thị Xuân Hương góp ý.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, đại diện UBND huyện Nhà Bè cũng đề nghị xem xét việc cấp giấy CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tuổi. Theo ông, việc cấp CCCD cho nhóm đối tượng này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, lãng phí nguồn lực và tăng chi phí cho người dân.
Đồng quan điểm, ông Dương Văn Thuận, đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM, không ủng hộ việc cấp CCCD cho người dưới 6 tuổi. Ông đặt vấn đề, khi đi máy bay, trẻ dưới 6 tuổi chỉ cần cầm CCCD thôi hay phải cần giấy khai sinh để xác định thân nhân. Do đó, dự thảo luật quy định cấp CCCD cho trẻ dưới 6 tuổi là nhằm mục đích gì, có gây lãng phí hay không?
Đại tá Trần Chiến Thắng, Đại học Cảnh sát Nhân dân phát biểu. Ảnh: THẢO LÊ |
Còn theo Đại tá Trần Chiến Thắng, Đại học Cảnh sát Nhân dân, dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng, quản lý thẻ CCCD với nhóm đối tượng trẻ dưới 14 tuổi cũng như trách nhiệm của cha mẹ. Do đó, cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Ủng hộ việc cấp CCCD cho người gốc Việt Nam sống tại Việt Nam nhưng không có quốc tịch
Góp ý quy định quản lý căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, Trưởng phòng Quốc tịch, Sở Tư Pháp Nguyễn Triều Lưu, cho rằng quy định này chưa thống nhất với Luật Quốc tịch Việt Nam.
Cụ thể, đối với người không có quốc tịch Việt Nam cư trú trong nước theo Luật Quốc tịch Việt Nam bao gồm: người nước ngoài và người không quốc tịch thường trú và tạm trú ở Việt Nam, không có đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam cư trú trong nước.
Đối tượng cần quản lý căn cước ở đây là người không quốc tịch cư trú trong nước. Do đó, Sở Tư pháp đề nghị xác định lại phạm vi, đối tượng trong quy định “quản lý căn cước của người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam".
ThS Lưu Đức Quang, Giảng viên Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật ủng hộ việc cấp CCCD cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch. Ảnh: THẢO LÊ |
Về vấn đề này, Ths Lưu Đức Quang, Giảng viên Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho rằng hiện nay rất nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Long An… có bộ phận người sống trên những chiếc ghe là người gốc Việt Nam nhưng lại không có quốc tịch nước nào. Những người này và con cái của họ vô cùng khó khăn khi không có thân phận, muôn đời sống trên ghe, không vào đất liền được. Về vấn đề nhân quyền, Liên Hợp Quốc cũng đề nghị Việt Nam lưu ý bảo vệ quyền lợi cho những người này.
Do đó, Ths Lưu Đức Quang cho rằng Luật CCCD sửa đổi đưa nhóm đối tượng này vào để cấp CCCD là “đáng khâm phục”, góp phần quản lý địa bàn chặt chẽ hơn.
Theo Thượng tá Hồ Thị Lành, Phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM, đến ngày 4-4-2023, TPHCM đã cấp 9,9 triệu CCCD. Trong đó có 2,7 triệu CCCD mã vạch, 7,1 triệu CCCD gắn chíp điện tử và gần 1,8 triệu tài khoản định danh điện tử.