Ngày 10-1, Văn phòng Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội văn bản tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ chiều 6-1 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Theo Tổng thư ký Quốc hội, đã có 226 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.
Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án (184 ý kiến); nhiều ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2015 sẽ là cú hích thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giảm thiểu tai nạn giao thông…
Đáng lưu ý, dự án giúp giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục; đồng thời là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm, đảm bảo sự phát triển của khu vực ĐBSCL, đáp ứng việc kết nối cho cả vùng, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển về nông, lâm, thủy sản.
Mặc dù vậy, các ý kiến cũng đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện để giải quyết một cách đồng bộ và thấu đáo, trong đó có việc làm rõ một số vấn đề: như đã có tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường ven biển, nếu xây dựng công trình cao tốc này sẽ có 4 tuyến đường song song; đề nghị đánh giá tính hiệu quả của từng con đường (có một số đoạn tuyến gần nhau); tính toán hiệu quả đầu tư và mật độ lưu thông các phương tiện đi lại...
Mặt khác, để khai thác, sử dụng hiệu quả công trình cần có hệ thống để kết nối các tuyến đường trên; một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam phía Đông trùng với đường Hồ Chí Minh, cắt ngang nhiều đường dân sinh cho nên yêu cầu về tốc độ đối với các phương tiện sẽ làm nảy sinh vấn đề bất cập.
Trong số các vấn đề cụ thể, nhiều ý kiến quan tâm đến quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường. Một số ý kiến nhất trí đầu tư dự án với quy mô mặt cắt ngang 17m như theo đề xuất của Chính phủ; nhưng một số ý kiến đề nghị cần thiết phải đầu tư theo quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp để phù hợp với tiêu chuẩn, bảo đảm hiệu quả về lâu dài và giảm thiểu rủi ro về mất an toàn giao thông của tuyến đường.
Cũng có đề nghị cân nhắc đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe với mặt cắt ngang từ 22-24,75m; đề nghị xem xét phương án GPMB theo quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh mặt đường là 32,25 m, bao gồm 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp; đề nghị đầu tư theo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe trên toàn tuyến…
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc và thuyết minh rõ hơn phương án đầu tư quy mô 4 làn xe có mặt đường cắt ngang là 24,75m so với quy mô 4 làn xe có mặt đường cắt ngang là 17m để đảm bảo tiêu chuẩn của đường cao tốc, an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác, đáp ứng tầm nhìn dài hạn, tránh việc phải mở rộng về sau gây lãng phí trong việc giải phóng mặt bằng và các hệ lụy khác, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ - Cà Mau, nơi không có sẵn nguyên vật liệu tại chỗ.
Một quan điểm được nhiều ý kiến đồng thuận là đề nghị Chính phủ xem xét phương án đầu tư 4 làn xe ở 2 bên, để lại 2 làn xe chưa đầu tư ở giữa (trồng cây xanh), tạo thuận lợi cho việc kết nối đường cao tốc với các tuyến giao thông khu vực hai bên đường cao tốc; chống tái lấn chiếm đối với diện tích đã giải phóng mặt bằng, vừa cải tạo cảnh quan môi trường xanh, đẹp cho đường cao tốc; không phải bù vênh 2 làn đường trong giai đoạn hoàn thiện và an toàn trong quá trình khai thác.
Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị nâng từ 4 làn xe lên 6 làn xe tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bảo đảm đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, khai thác tối đa tiềm năng khu vực ĐBSCL nói chung và khu vực nam ông Hậu nói riêng. Theo loại ý kiến này, nếu không đầu tư cùng lúc mà để 5 năm sau mới đầu tư mở rộng sẽ tăng chi phí đầu tư gấp 2 - 3 lần.
Nhiều ý kiến đề nghị cần giải phóng mặt bằng một lần cho đủ kích thước của tuyến cao tốc; nếu chưa đủ nguồn lực bố trí thì kiến nghị bố trí phân khúc và có phương án cứu hộ, cứu nạn trên tuyến Cần Thơ - Cà Mau để đảm bảo nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của vùng ĐBSCL…