Góp ý cho Dự thảo Luật, đại biểu Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật này là hiệu lực thi hành quyết định của cộng đồng dân cư. Tại điều 17, khoản 1 có ghi để lấy được ý kiến người dân bàn và quyết định thì phát phiếu lấy ý kiến từng hộ gia đình. Sau đó, điều 51 là để quyết định của cộng đồng dân cư có tính hiệu lực thì phải có từ 2/3 hoặc từ 50% ý kiến hộ gia đình đồng ý thì quyết định đó mới có hiệu lực.
“Vậy chúng ta tính từng hộ dân như thế nào, lấy ý kiến của người dân quyết định cho một vấn đề ở dân cư thì tính toán như ra sao. Vì khi luật ra rồi nếu lấy không đủ thì không được”, ĐB Trần Kim Yến nêu ý kiến.
ĐB Trần Kim yến dẫn chứng cụ thể về việc xây dựng mới chung cư xuống cấp, quy định phải là 100% hộ dân đồng tình lựa chọn nhà đầu tư thì mới được. Tuy nhiên, có chung cư 38 hộ dân, 36 hộ đồng ý, chỉ còn 2 hộ không đồng ý thì vẫn không thực hiện được mà dây dưa mấy năm trời. Do đó, cần xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ lấy ý kiến biểu quyết của dân cư cũng như tỷ lệ hộ dân đồng ý để quyết định của cộng đồng có hiệu lực.
Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Kim Yến và đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phát phiếu lấy ý kiến chỉ cần trên 50% cộng đồng và trên 50% số phiếu đồng ý thì coi như đó là ý kiến đại diện của cộng đồng dân cư.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến hiện nay Ban Thanh tra nhân dân ở phường, xã, thị trấn thì có kinh phí hoạt động, còn ở các doanh nghiệp, những nơi chưa có công đoàn cơ sở thì rất khó khăn do không có kinh phí. Dẫn đến tình trạng có nơi không hoạt động hoặc cầm chừng, không phát huy được vai trò. Do đó, đại biểu đề nghị những nơi chưa có công đoàn cơ sở thì cần quy định rõ kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân là do chủ doanh nghiệp phải chịu.
Về ban giám sát cộng đồng, các đại biểu xuất mỗi xã chỉ nên thành lập một ban giám sát cộng đồng. Công trình ở nơi nào thì người dân nơi đó được cơ cấu vào ban này để giám sát, không nên thành lập theo từng dự án.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng đánh giá những ý kiến của các đại biểu là xác đáng từ thực tiễn ở cơ sở hiện nay, góp phần hình thành bộ luật sát hơn với đời sống. Đoàn ĐBQH TPHCM ghi nhận những ý kiến để tổng hợp trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để xem xét.