Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sáng 7-2, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM đã tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (dự thảo Luật).

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM giải đáp kịp thời các ý kiến cho các đại biểu.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM giải đáp kịp thời các ý kiến cho các đại biểu.

Cân nhắc khái niệm “Đổi mới sáng tạo”

Mở đầu tọa đàm, TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó trưởng Ban Thanh tra - Pháp chế ĐHQG TPHCM, đã trình bày các điểm mới của dự thảo luật và các chính sách được khuyến khích đối với các có sở giáo dục đại học, tổ chức KH-CN theo Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP.

Các nhà khoa học của ĐHQG TPHCM đã có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật với mong muốn và kỳ vọng luật sửa đổi sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học. Theo đó, một số ý kiến cho rằng chưa thấy rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KH-CN trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển R&D từ trường đại học.

IMG_9004.JPG

“Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học thông qua thành lập doanh nghiệp KH-CN hoặc doanh nghiệp thuộc đại học”, PGS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện tế Bào gốc, chia sẻ.

PGS.TS Phan Bảo Ngọc, Trường ĐH Quốc tế, cho rằng tên dự thảo Luật cần bỏ cụm từ “đổi mới sáng tạo” vì đổi mới và sáng tạo là một quá trình của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Ông Ngọc cũng lưu ý, dự thảo Luật cần có các điều khoản liên quan chiến lược trọng điểm của quốc gia về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu... để làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển.

Cùng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng nếu giữ cụm “Đổi mới sáng tạo” như tên dự thảo Luật sẽ không phù hợp vì đổi mới sáng tạo là kết quả của nghiên cứu và ứng dụng KH-CN. Ngoài ra, các quy định về tài chính và đầu tư cho KH-CN theo Chương IV của dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho KH-CN tối thiểu 2% ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên chưa bao quát bình quân đầu tư cho KH-CN từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia. Trong đó, nguồn từ NSNN là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài nhà nước là bao nhiêu… để từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.

Còn nhiều điểm chưa chặt chẽ

Có ý kiến đánh giá dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay. Cụ thể, cần định nghĩa thế nào là “Khoa học mở” tại Điều 9. Chính sách của Nhà nước với khoa học mở. Như mục 6 Điều 9 quy định "Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này.

IMG_9021.jpg

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ra đời trước Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cho nên có rất nhiều quy định trong dự thảo Luật này chưa thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW nên ĐHQG-HCM. Cần có những nghiên cứu và ý kiến đóng góp kiến cho dự thảo Luật sát với thực tế hơn.

Theo T.S Trần Ngọc Minh, Công ty HPT, nói về Luật KH-CN phải nói về bài học kinh nghiệm từ những thất bại trước đây qua các chính sách và rõ ràng trước đây có những chính sách không thành công. Ở đây không nên đưa ra loại hình mới là doanh nghiệp KH-CN vì các thủ tục thực tế rất khó khăn cho loại hình doanh nghiệp này, nhất là việc nhận hỗ trợ thuế, nhận ưu đãi… Như vậy cần tập trung vào các loại hình doanh nghiệp bấy lâu nay để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp này phát triển.

“Đào tạo người tài rất chung chung, do đó chúng ta cần tập trung vào các vấn đề đãi ngộ nhiều hơn vì một khi chính sách đãi ngộ tốt, người tài sẽ xuất hiện và phát huy tài năng”, ông Trần Ngọc Minh nêu ý kiến.

IMG_9014.JPG

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho rằng: Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể phân cấp phân quyền các tổ chức KH-CN để tạo điều kiện cho hoạt động KH-CN của các địa phương. Quy định về cơ chế thử nghiệm sandbox còn rất chung chung, cơ chế tự chủ tài chính về tổ chức KH-CN vẫn chưa có quy định cụ thể, sẽ gây khó khăn cho hoạt động KH-CN; hay chính sách thu hút chuyên gia KH-CN đầu ngành vẫn chưa thực sự tạo ra sự thuận tiện… Dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ ràng về cơ chế chuyển giao, định giá các sản phẩm KH-CN để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM và GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, cũng đã có những giải đáp kịp thời cho các đại biểu cũng như ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu để ĐHQG TPHCM có những góp ý, kiến nghị đóng góp cho điều chỉnh xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh hơn.

Với dự thảo Chương trình giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG TPHCM, chương trình không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại ĐHQG TPHCM cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

GS.TS. Nguyễn Phước Dân, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Khoa học trái đất và Môi trường ĐHQG TPHCM đề nghị bổ sung tiêu chí tuyển chọn, bao gồm sự công nhận trong lĩnh vực chuyên môn thông qua các giải thưởng và bằng khen, kinh nghiệm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, khả năng hợp tác… “Rất cần chi tiết hóa thông báo tuyển dụng, bổ sung thông tin liên hệ trong hồ sơ ứng viên, thành lập hội đồng tuyển chọn đa dạng và đánh giá liên tục đóng góp của giáo sư thỉnh giảng”, GS.TS. Nguyễn Phước Dân nhấn mạnh.

IMG_9018.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Còn ông Nguyễn Văn Sinh , Ủy viên Hội đồng liên ngành Công nghệ thông tin ĐHQG TPHCM, giảng viên Trường Đại học Quốc tế, mong muốn Giáo sư thỉnh giảng được đóng góp ý kiến và nhận phản hồi trong các hội đồng ngành và Hội đồng Giáo sư Nhà nước phù hợp với chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do Giám đốc ĐHQG TPHCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Chương trình đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 Giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030, riêng các năm 2025, 2026 mời và bổ nhiệm được 50 Giáo sư thỉnh giảng.

Tin cùng chuyên mục