Chiều 27-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) thống nhất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng dự thảo luật quy định cần phù hợp với thực tiễn thuế tiêu đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường, máy điều hòa nhiệt độ...
Cần có lộ trình đánh thuế nước giải khát có đường
Về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) thống nhất bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc này góp phần định hướng tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, ĐB lưu ý, bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để triển khai thực hiện được thông suốt. Các doanh nghiệp có thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, kịp thời thích ứng.
Đối với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề xuất nên có danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này, ĐB đề xuất để Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác.
Do vậy, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Không đồng ý đánh thuế máy điều hòa nhiệt độ
Bên cạnh đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa không đồng tình với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa. Bởi đây là sản phẩm giúp người dân có được điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho sức khỏe của người già và trẻ em. Thay vì đánh thuế, đại biểu cho rằng, nên hướng dẫn người dân cách sử dụng máy điều hòa hợp lý.
Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga phân tích điều hòa nhiệt độ được sử dụng như một thiết bị thiết yếu, hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng điều hòa nhiệt độ, ngay cả các phòng trọ cũng đều trang bị điều hòa nhiệt độ.
Điều đó cho thấy đây không còn là mặt hàng được coi là xa xỉ, dành cho đối tượng có thu nhập cao. Từ đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, quy định này hiện nay đã không còn phù hợp nên cân nhắc bỏ quy định đánh thuế đối với điều hòa nhiệt độ.
Cùng nêu quan điểm không đồng tình đánh thuế tiêu thụ đặc biệt máy điều hòa nhiệt độ, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) phân tích thêm, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội.
Cho nên quy định tăng thuế điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
Giải trình một số nội dung ĐB nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, vì vậy thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt không hoàn thuế giá trị gia tăng.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon.
Quy định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.
Đối với quy định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, Giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.