Nhiều người cho rằng "yêu cầu Grab và Uber tuân thủ pháp luật Việt Nam" là nhiệm vụ của cơ quan chức năng chứ không phải của hãng taxi truyền thống - vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi sự phát triển như vũ bão của taxi công nghệ.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun, xác nhận có hiện tượng trên. Theo ông, đó là do sự tự phát của một số tài xế, không phải chỉ đạo của hãng và lãnh đạo đơn vị đang rà soát để có hướng xử lý.
Trên nhiều tuyến đường tại TPHCM trong ngày 8-10 dễ dàng bắt gặp nhiều xe taxi truyền thống dán dòng chữ như thế này phía sau xe
Năm 2016, taxi truyền thống TPHCM đóng 1.000 tỷ đồng tiền thuế còn Uber và Grab chỉ đóng 5 tỷ đồng. Số lượng xe taxi ở TPHCM vẫn giới hạn ở mức 11.000 xe, cộng thêm cả xe chạy Uber và Grab lên tới 36.000 chiếc, còn tính luôn cả Hà Nội là hơn 50.000 xe.
Trong khi đó, khu vực phía Bắc, nhiều taxi truyền thống chạy khắp nơi cũng mang dòng chữ có nội dung "tố cáo" taxi thí điểm hợp đồng điện tử có doanh thu 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ đóng 15,8 tỷ đồng tiền thuế.
Nhiều tài xế taxi truyền thống cho rằng, số lượng xe chạy Uber và Grab ngày càng tăng, nhiều người dễ dàng tham gia hơn, tình trạng này cũng gây thêm phần ùn ứ giao thông kéo dài, gây áp lực lên hạ tầng giao thông.
Trước đó, sau nhiều lần thể hiện sự bất bình và phản đối kịch liệt hoạt động của Uber, Grab nhưng không hiệu quả, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản kiến nghị dừng khẩn cấp đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gồm đại diện là Uber, Grab).
Văn bản này được gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Động thái này cũng được Hiệp hội Taxi TPHCM hưởng ứng.
Theo đó, Hiệp hội Taxi TPHCM đã có văn bản đồng tình đối với Hiệp hội Taxi Hà Nội trong việc yêu cầu dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống và cho rằng Uber, Grab đã gây ra nhiều hệ lụy.
>> Clip xe taxi Vinasun dán dòng chữ phía sau:
Theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, đến tháng 1-2018 sẽ kết thúc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tháng 6-2017 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các địa phương tham gia thí điểm taxi công nghệ thống kê, rà soát chính xác số lượng tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới để hạn chế tình trạng bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng giao thông.
Hiện Bộ GTVT đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 đơn vị. Đó là Công ty TNHH Grabtaxi (Grabcar), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty cổ phần Phát triển thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car).