Sáng 20-7, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội đã nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan báo cáo sơ bộ kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng thẳng thắn thừa nhận một số tồn tại, hạn chế, như nguồn vốn sự nghiệp trung ương chưa được xác định theo kế hoạch trung hạn, hoặc xác định mức trần hàng năm, nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp được bố trí thực hiện chương trình năm 2022 thấp. Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm...
Trong 6 tháng cuối năm 2022, mục tiêu của chương trình là duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Góp ý về các giải pháp hoàn thành mục tiêu, các đại biểu đề nghị làm rõ, thống nhất giữa các số liệu, tránh tình trạng số liệu vênh nhau giữa các cơ quan, đơn vị; xác định rõ các tiêu chí lồng ghép chương trình; đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo bền vững… Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh, vẫn còn một số điểm khác biệt trong các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành, dẫn đến sự lúng túng khi áp dụng, đặc biệt là trong công tác phân bổ, giải ngân nguồn vốn; đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để có giải pháp xử lý.