Áp lực công việc quá lớn
Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh hiện là xã có đông dân nhất của TPHCM với hơn 125.000 người. Để phục vụ người dân, cả bộ máy UBND xã hiện có 36 người, trong đó có 14 cán bộ không chuyên trách. Trong 14 người này, thực tế chỉ có 4 người công tác ở UBND xã, còn lại là ở các đoàn thể. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Trần Vũ Hữu Duy cho biết, trước đây xã có 57 cán bộ không chuyên trách. Thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ, từ 1-1, số cán bộ không chuyên trách giảm còn 14 người.
“Với số lượng cán bộ như cũ, nếu tính toán vận dụng tốt sẽ đủ sức đảm đương phục vụ người dân. Còn với số cán bộ ít ỏi như hiện nay, ngày nào chúng tôi cũng làm thêm giờ, trung bình là đến 19 giờ. Cả thứ bảy, chủ nhật cũng không nghỉ mà chia nhau giải quyết công việc. Áp lực ngày càng lớn, chế độ chính sách vẫn như cũ, nếu siết quá càng khó cho anh em”, ông Trần Vũ Hữu Duy nêu thực tế.
Vẫn theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, ngoài việc làm thêm giờ, buổi tối về nhà, cán bộ vẫn phải tiếp tục giải quyết công việc trên máy. Làm việc không dám nghỉ, ăn cơm trưa xong lại phải tranh thủ xử lý ngay công việc. Áp lực lớn nhất ở địa bàn xã là lĩnh vực đất đai - xây dựng - môi trường, tổ một cửa. Với số cán bộ hiện nay là không đủ người để xử lý sự vụ, sự việc, chứ chưa nói đến việc đi kiểm tra địa bàn và các công việc khác.
Trong khi đó, ở xã đông dân thứ hai của TPHCM là Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, với hơn 122.000 dân, tình hình nhân sự cũng khá chật vật. Năm 2020, phường hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, không có đầu việc nào quận giao bị trễ hạn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Ngân cho biết, năm 2021 sẽ là năm khó khăn với phường trong thực hiện nhiệm vụ. Bởi từ 1-1, phường giảm 28 cán bộ không chuyên trách. Hiện nay, để phục vụ hơn 122.000 dân, phường chỉ có 37 cán bộ. “Chúng tôi lo lắng, về lâu dài anh chị em sẽ không kham hết công việc”, ông Nguyễn Văn Ngân chia sẻ.
Cụ thể, cán bộ kinh tế - môi trường trước đây là 9 người, nay chỉ còn lại 1 người. Mảng địa chính - xây dựng lúc trước có 5-6 người phụ trách, lại có cán bộ không chuyên trách hỗ trợ thêm, nay chỉ còn 2 người. Trong đó có một người phải ngồi cố định tại trụ sở để tiếp nhận hồ sơ, một người còn lại lo giải quyết công việc.
Phường Bình Hưng Hòa A đông dân nên các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong dân cư nhiều; mỗi năm phường nhận được 170-200 đơn thư phản ánh, kiến nghị. Cán bộ lại phải chạy qua chạy lại để hòa giải, giải quyết…
Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, với hơn 70.000 cử tri, chỉ riêng việc ký vào tất cả các thẻ cử tri này cũng đã là một áp lực không nhỏ với 3 lãnh đạo phường. “Với lượng công việc như vậy, cán bộ ở phường ra về được trước 18 giờ đã là sớm lắm, còn bình thường cũng 19-20 giờ”, lãnh đạo phường cho hay.
Cán bộ chuyên trách cần phù hợp với số dân
Không chỉ các phường xã, thị trấn ngoại thành, dân số quá đông mới lo ngại trước tình hình cắt giảm lượng lớn cán bộ từ đầu năm 2021. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) Nguyễn Diệp Bích Hạnh cho biết, ngoài lượng cán bộ không chuyên trách bị cắt giảm, suốt 2 năm nay, TPHCM không tổ chức thi tuyển công chức cấp xã.
“Trước đây, anh em vẫn choàng gánh công việc cho nhau, nhưng với số cán bộ như hiện nay, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là rất khó. Do vậy, tôi kiến nghị TPHCM sớm tổ chức thi tuyển công chức cấp xã”, bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh nói.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Chánh, bà Dương Thị Uyên Chi phân tích thêm, tại Bình Chánh, rà soát lại 16 xã, thị trấn chỉ thiếu 9 công chức. Thực hiện chủ trương chung của TPHCM, huyện Bình Chánh đang thực hiện các bước quy trình để sớm thi tuyển. Trong khi đó, việc cắt giảm lượng lớn cán bộ không chuyên trách rất khó cho cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo bà, hiện nay Bình Chánh có nhiều xã dân số trên dưới 100.000 người. Nếu không chia tách xã thì phải bổ sung cán bộ công chức cấp xã. “Bộ máy chính quyền cơ sở được tổ chức để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Vậy bộ máy ở một xã 125.000 dân và xã hơn 10.000 dân cũng giống y như nhau thì không thể làm được”, bà Dương Thị Uyên Chi nêu ý kiến.
Huyện Bình Chánh đã nhiều lần kiến nghị, với xã có trên 30.000 dân, thì cứ tăng thêm 5.000 dân sẽ bố trí thêm một cán bộ không chuyên trách. Tuy nhiên, áp dụng Nghị định 34 của Chính phủ, lượng cán bộ không chuyên trách được thực hiện như nhau giữa các xã phường cùng loại và không được bố trí thêm.
Vấn đề chia tách xã cũng được huyện Bình Chánh đặt ra. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, chủ trương hiện nay là khuyến khích sáp nhập chứ chưa có chủ trương tách xã.
Về số lượng công chức phường không chuyên trách, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thực hiện theo Nghị định 34, sở đã tham mưu UBND TPHCM kiến nghị trung ương nhiều lần. Mới đây, trả lời cho một số tỉnh thành, Bộ Nội vụ đã khẳng định quy mô dân số không phải là tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Do đó cũng không dựa vào tiêu chí này để phân bổ công chức và số cán bộ không chuyên trách, vì vậy hiện chưa có cơ sở trình Thủ tướng xem xét. Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết sở sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến về bất cập trong thực hiện Nghị định 34 để tiếp tục kiến nghị. |