Hai cuộc trưng cầu dân ý này chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình có thể đòi quyền tự trị từ chính quyền trung ương Rome. Cả 2 khu vực Lombardy và Veneto đều muốn giành được sự ủng hộ của người dân về đòi quyền tự trị nhưng số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả.
Sự kiện này đã nhận được sự chú ý hơn trong bối cảnh vùng Catalonia cũng đang đòi tách khỏi Tây Ban Nha, gây ra sự phản đối tại châu Âu.
Giới quan sát cho rằng việc 2 khu vực ở Italia tiến hành trưng cầu ý dân là do ảnh hưởng của sự kiện Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng hiện nay tại Tây Ban Nha khi vùng tự trị Catalonia cũng đang đòi độc lập. Động thái của chính quyền vùng Lombardy và Veneto có thể gây “hiệu ứng domino” trong ngắn hạn.
Trong khi đó, căng thẳng giữa chính phủ Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ Catalonia ngày 22-10 leo lên nấc thang mới sau khi hàng ngàn người tại Catalonia đã đổ ra các đường phố của Barcelona để biểu tình phản đối quyết định của chính quyền trung ương.
Trước đó, sau cuộc họp nội các ngày 21-10, Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố sẽ kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp vùng này, giải tán chính quyền khu vực và tiến hành bầu cử sớm trong vòng 6 tháng tới tại đây, càng sớm càng tốt.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, chính quyền Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Các biện pháp chưa từng có này sẽ được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha và sẽ được trình lên Thượng viện Tây Ban Nha vào ngày 27-11 tới để phê duyệt. Tuy nhiên, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố người dân vùng lãnh thổ này không chấp nhận các biện pháp mà Chính phủ Tây Ban Nha vừa đưa ra, đồng thời yêu cầu triệu tập phiên họp toàn thể để thảo luận cách thức chống lại các biện pháp trên.