Đây là một điển hình cần được nhân rộng cho mọi người học tập, noi theo. Chính quyền đã đến động viên, ghi nhận, trân trọng và biểu dương việc làm này của ông bà.
Nội dung lá đơn ghi: “Ông bà chúng tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác. Mặc dầu vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên, nhưng nay nhờ con cháu nuôi dưỡng đến nơi đến chốn. Vì vậy, vợ chồng chúng tôi làm đơn và xin ra khỏi hộ nghèo. Rất mong các cấp chấp nhận”.
Gia đình ông bà Lương có 6 người con, nhưng 2 người đã mất vì bệnh tật hiểm nghèo, các con còn lại đã có vợ, có chồng và ra ở riêng nhưng cũng không mấy khá giả. Do gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều năm nay ông bà được chính quyền địa phương đưa vào diện hộ nghèo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, cháu nội của ông bà đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, tích góp gửi tiền về phụ giúp bố mẹ xây dựng lại căn nhà mới, ông bà Lương (trước giờ ở riêng) nay dọn về ở chung cùng con. Hàng ngày, ông bà vẫn trồng rau, nuôi gà và được con cháu chăm lo đầy đủ.
Hiện nay, xã Thạch Đài có 74 hộ nghèo, hơn 100 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,21%. Xã về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2016. Vợ chồng ông bà Lương tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo là trường hợp đầu tiên ở xã.
Cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, đầu tháng 10-2019, chính quyền địa phương cũng đã nhận được đơn đề nghị xin ra khỏi hộ nghèo của vợ chồng ông Trần Văn Sơn, bà Dương Thị Kiền (đều 87 tuổi) và vợ chồng ông Nguyễn Trọng Viễn (89 tuổi), bà Trần Thị Liên (86 tuổi) đều trú tại thôn Thống Nhất. Địa phương đưa 2 hộ này vào diện hộ nghèo từ năm 2010 đến nay.
Ngày 22-10, tại xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân), Sở Nội vụ, Sở LĐTB-XH tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn) vì “đã nêu cao tinh thần Tuổi cao - Gương sáng, góp phần động viên, cổ vũ người nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo”. Bà Đỗ Thị Mơ từng tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ kháng chiến. Mặc dù được công nhận hộ nghèo nhưng chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, thương tật, chất độc da cam,… bà thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Với suy nghĩ như vậy, 2 năm liền bà Mơ đã viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, mặc dù tuổi cao nhưng bà vẫn làm ruộng, trồng rau, chăn nuôi,… với tinh thần lạc quan, yêu lao động. Mới đây, trong Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, những lời chia sẻ chân chất, đầy hào hứng của bà đã được lan tỏa khắp nước. DUY CƯỜNG |