Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, thời gian qua, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội khởi tố mới giảm, tuy nhiên tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu băng nhóm diễn biến phức tạp; nhiều vụ quy mô đặc biệt lớn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của cơ quan tư pháp; xuất hiện nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...
Tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại và khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, xuất hiện nhiều vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài; nhiều vụ khiếu kiện hành chính phức tạp, nhiều vụ liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách kinh tế của Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Viện kiểm sát các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin báo về tội phạm, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội.
Đặc biệt, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, toàn ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực; quán triệt quy trình Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm, ghi hình có âm thanh; chú trọng tổng hợp vi phạm pháp luật, thiếu sót trong hoạt động tố tụng, ban hành 1.532 thông báo rút kinh nghiệm; kiểm điểm rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên, lãnh đạo đối với những thiếu sót, vi phạm, nhất là các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội…
Thông qua hoạt động điều tra, đã ban hành 454 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp xử lý cán bộ vi phạm và áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm, tăng 60,4%; trong đó, có 06 kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án và được các cơ quan tiếp thu, thực hiện.
Đáng lưu ý, Viện trưởng Lê Minh Trí đã tập trung phân tích, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp. Ghi nhận tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; những vi phạm pháp luật giảm dần theo từng năm, song người đứng đầu ngành Kiểm sát thẳng thắn chỉ rõ, trong hoạt động tư pháp vẫn còn nổi lên một số vi phạm. “Một số trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ hoặc không đúng quy định pháp luật; còn để người bị tạm giữ, tạm giam trốn hoặc phạm tội mới, tự sát, bị đối tượng cùng bị tạm giữ, tạm giam đánh chết; vi phạm về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ vẫn còn xảy ra dẫn đến nhiều bản án phải hủy để điều tra lại; bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra ở một số nơi... Vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn gửi các bản án, quyết định còn xảy ra tại một số đơn vị... Trong kỳ, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhận định.
Ông Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quyền kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp; trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về cán bộ, tạo điều kiện xây dựng đội ngũ công chức ngành Kiểm sát đủ bản lĩnh, năng lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ các ngành tư pháp, đầu tư ngân sách, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật hiện đại cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có VKSND; xem xét việc cấp kinh phí ngân sách cho VKSND theo nguyên tắc bảo đảm đáp ứng hoạt động đặc thù của ngành.
Bên cạnh đó, xem xét bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát các cấp đáp ứng yêu cầu về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của các đạo luật tư pháp cũng là kiến nghị từ Viện trưởng Lê Minh Trí.