Nhiều nguy cơ
Giới quan sát nhận định nhiều vấn đề phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh NATO lần này như: cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng; khả năng Pháp cắt giảm viện trợ cho Ukraine; sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ liên quan tới xung đột Israel - Hamas; cuộc chiến kéo dài tại Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ; ứng dụng an toàn công nghệ kỹ thuật số... Chuyên gia Lyle Goldstein, thuộc Trung tâm Phân tích Defence Priorities (Washington), cho rằng khó có thể kỳ vọng những kết quả mới tại hội nghị này do tình hình rất khó khăn mà các nước NATO phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng liên quan lẫn nhau.
Trong bài viết trên Tạp chí Foreign Affairs mới đây, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định liên minh xuyên Đại Tây Dương gồm 32 thành viên hiện đang phải đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn với một châu Âu chia rẽ và NATO lung lay. Ông Jens Stoltenberg cho biết, hội nghị sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính. Một là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của các nước đồng minh, vốn được coi là nhiệm vụ cốt lõi của NATO. Thứ hai, hỗ trợ Ukraine, ủng hộ khả năng Kiev gia nhập NATO. Thứ ba, tiếp tục tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như với các tổ chức quốc tế khác, nhất là Liên minh châu Âu (EU).
Tăng khả năng phòng thủ
Hiện ưu tiên chính của NATO là tăng cường phòng thủ và răn đe, đặc biệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Thời gian gần đây, các nước NATO đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, tăng cường phòng thủ và xây dựng lực lượng thường trực, hiện đại hóa các cấp chỉ huy và khả năng kiểm soát, chuyển đổi hoạt động phòng thủ tập thể và kết nạp thành công các đồng minh mới gồm Phần Lan và Thụy Điển, đưa NATO đến gần biên giới Nga hơn. Tuy nhiên, hầu hết trong số hơn 20 thành viên đã đáp ứng hoặc gần đáp ứng tiêu chí phân bổ 2% GDP cho quốc phòng đều nằm gần Nga về mặt địa lý như Ba Lan hoặc các nước Baltic, trong khi nhiều quốc gia khác vốn có tiếng nói trong NATO lại rất miễn cưỡng như Đức, Pháp hay Italy.
Liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine, tại hội nghị lần này, nhiều khả năng lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ cam kết tiếp tục duy trì mức hỗ trợ quân sự cho Kiev như những năm qua (khoảng trên 40 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, liên minh này vẫn chưa đạt được đồng thuận về thời điểm và cách thức để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO.
Bên cạnh đó, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ của NATO với 4 đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, được gọi là nhóm IP4. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp 4 nước này tham gia kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 ở Madrid (Tây Ban Nha), khiến chủ đề “NATO hóa” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục được thảo luận sôi nổi.