Ông TRẦN THỐNG, cựu chiến binh phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM: Thẳng thắn, trả lời trực diện vào câu hỏi
Đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn và tranh luận tại nghị trường, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn, không vòng vo và trả lời trực diện vấn đề. Việc này đã đáp ứng được thắc mắc của cử tri. Song song đó, ngay trong thời điểm Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn, các thông tin về việc không yêu cầu xét nghiệm người đi lại giữa các tỉnh, thành và công khai giá xét nghiệm đã cho thấy trách nhiệm của ngành y tế đối với bức xúc của dư luận cả nước. Ngoài các câu hỏi mang tính vĩ mô như xây dựng bệnh viện đa khoa trung ương ở Tây Nguyên, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới… có nhiều câu hỏi khá thời sự của đại biểu Quốc hội khá gay gắt liên quan đến ngành y, như: xét nghiệm; giá xét nghiệm; việc mua sắm trang, thiết bị y tế đã được tư lệnh ngành giải đáp một cách trọn vẹn. Sự thẳng thắn đó đã mang đến niềm tin cho cử tri cả nước!
Ông NGUYỄN THANH BÌNH, TP Thủ Đức, TPHCM: Ngành giao thông chưa thực hiện được lời hứa
Hiện nay, kết nối giao thông từ TPHCM về ĐBSCL rất hạn chế, tuyến QL1 đã quá tải. Cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang tiến hành, nếu hoàn thành mới chỉ giải quyết được phần nào, quan trọng là từ đó tiếp tục kết nối đến các vùng khác. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ TPHCM về các tỉnh ĐBSCL và ngược lại rất là lớn, nhất là vào dịp lễ, tết, nhưng với tình trạng hạ tầng giao thông hiện tại có thể xem là tụt hậu. Phải tiếp tục xây dựng nhiều cầu bắc qua sông, những chỗ nào còn sử dụng phà phải xây dựng cầu ngay. Về hàng không, ĐBSCL hiện có 2 sân bay là Cần Thơ và Rạch Giá, nhưng theo đánh giá của tôi là đã thiếu sự kết nối, việc di chuyển giữa 2 sân bay này rất khó khăn. Vì vậy, để ĐBSCL phát triển thì nhất thiết phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cao tốc và nghiên cứu xây dựng hệ thống đường bộ thông suốt kết nối giữa ĐBSCL với TPHCM mới đáp ứng được sự phát triển của khu vực này.
Cử tri NGUYỄN MAI TIÊN, phường 14, quận Gò Vấp TPHCM: Sai phạm của cán bộ ngành y tế thật đau lòng
Chúng tôi thấy rằng một số cán bộ cấp cao của Bộ Y tế như đã nêu có nhiều sai phạm lớn, liên quan đến thuốc giả tràn lan ngoài thị trường, có cả thuốc điều trị ung thư, đấu thầu trang thiết bị máy móc, hợp tác xã hội hóa ở một số bệnh viện lớn. Những cách thức tiêu cực trong ngành y tế từ rất lâu khiến dư luận bức xúc gọi là tham ô, tham nhũng, khiến hình ảnh chiếc áo trắng ngành y phần nào bị “nhuộm đen”. Người dân nói chung và bệnh nhân nói riêng đã giảm sự kính trọng phần nào với cán bộ ngành y, bác sĩ, mà trước đây mọi người đã ngưỡng mộ không chỉ vì tài năng mà cả y đức với quan niệm “Lương y như từ mẫu”.
Thực tế là vậy, thế nhưng trong kỳ chất vấn tại Quốc hội mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại giải thích với các đại biểu Quốc hội một cách bao biện và không làm thỏa mãn bức xúc của cử tri cả nước về nhiều vấn đề có liên quan. Đơn cử như Bộ trưởng lý giải vấn đề giá test Covid-19 quá cao và tùy tiện, mỗi nơi mỗi kiểu như báo chí phản ánh, bằng một câu rất đơn giản: Do quá bận trong công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu đúng như giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do quá mải mê chống dịch nên không thực hiện được!
Chị BÙI THỊ VÂN ANH, nhân viên ngân hàng, quận Tân Bình, TPHCM:
Cần đánh giá chất lượng dạy và học online
Tôi cũng đang có con nhỏ học lớp 3 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Tân Bình, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên hơn 2 tháng qua, con phải học online tại nhà. Tôi rất lo lắng do việc dạy và học online chưa đáp ứng đủ kiến thức để các con tham gia kỳ thi cuối năm sắp tới, đó là chưa kể các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, điều kiện vật chất và thiết bị học tập chưa thật sự đảm bảo nên cần chú trọng quan tâm nhiều hơn. Mong rằng, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn so với các năm để phù hợp với tình hình thực tế. Sau khi dịch được kiểm soát, học sinh được học tập trực tiếp tại trường, giáo viên cần dạy lại các kiến thức cơ bản để các em nắm rõ kiến thức hơn, nhằm dễ dàng bắt nhịp với lượng kiến thức mới và nâng cao hơn.
Ông TRẦN THƯỜNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng địa ốc Đại Phúc: Cần có chính sách an cư cho công nhân
Những giải pháp cấp thiết đưa người lao động trở lại thành phố, trung tâm kinh tế để sản xuất như phối hợp chính quyền các tỉnh đón người lao động, ưu tiên tiêm vaccine, tạo điều kiện sớm ổn định đời sống. Về lâu dài, tôi thiết nghĩ cần phải chăm lo chốn an cư cho công nhân. Thời gian qua, nhà nước đã có chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều công nhân vẫn chen chúc ở nhà trọ. Chúng tôi mong Bộ LĐTB-XH và các bộ, ngành cần có chính sách cụ thể, thiết thực về nhà ở cho công nhân, đảm bảo đạt diện tích tối thiểu, con em của công nhân có nơi học tập và hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt sau giờ lao động. Và giá nhà phải hợp lý, có thể nhà nước hỗ trợ thêm để công nhân có khả năng mua được nhà bằng tiền lương của mình. Những gia đình trẻ được trả nhiều năm và đảm bảo sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm họ có quyền sở hữu căn nhà, không phải trả thêm. Chỉ khi người công nhân an cư, điều kiện sống đảm bảo mới giữ chân và thu hút lao động đến các thành phố, trung tâm kinh tế.
Ông NGUYỄN QUANG TRUNG, Tổ trưởng tổ 41, KP 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức: Thêm gói hỗ trợ người dân sau đại dịch
Theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này, tôi rất quan tâm đến chính sách đối với người dân sau đại dịch Covid-19. Cơn đại dịch đã đi qua, hậu quả để lại không những mất mát về con người mà không ít gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là đối tượng người già, neo đơn, hộ nghèo và những gia đình có người thân bị mất, mắc bệnh phải điều trị lâu dài. Để người dân đứng dậy sau đại dịch, sớm khôi phục cuộc sống, sản xuất kinh doanh, tôi đề xuất nhà nước cần có thêm gói hỗ trợ cho người dân sau dịch. Gói hỗ trợ sau dịch phải cụ thể, thiết thực. Với những hộ nghèo, thiếu ăn phải được trợ giúp lương thực, thực phẩm, còn gia đình kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ được vay vốn để tái hoạt động. Những gói hỗ trợ trong dịch đã phát huy tác dụng, giúp người dân cầm cự 5-6 tháng, còn gói hỗ trợ sau dịch sẽ tiếp sức, góp phần giúp người dân tạo lập lại cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.