Người Pháp đã để lại không ít dấu ấn trên đất nước Việt Nam, ngoài những công trình vẫn còn hiện hữu thì giá trị hơn cả là các tác phẩm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đó là những góc nhìn từ phía người Pháp hay những học giả viết bằng tiếng Pháp về đất nước ta, hé lộ nhiều điều thú vị, mới mẻ từ một góc nhìn khác, mà có lẽ người trong cuộc cũng không ngờ.
Trong số nhiều tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam một thuở do người Pháp ghi chép, bộ sách Nam Kỳ và cư dân gồm 2 tập: Các tỉnh miền Tây và Các tỉnh miền Đông của bác sĩ thuộc địa hạng nhất J. C. Baurac chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.
Với thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam Kỳ, được tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người An Nam lẫn người Pháp, ông đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử… Các yếu tố đó góp phần giúp tác giả Baurac xây dựng được tập sách đồ sộ về Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX: Nam Kỳ và cư dân.
Tập đầu tiên của bộ sách: Các tỉnh miền Tây được chia thành hai phần: Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh xưa) ở các khía cạnh tổng quan: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động -thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng…
Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (chương đầu của phần thứ hai giới thiệu chung về miền Tây Nam Kỳ, 11 hạt cụ thể là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Tiếp sau Các tỉnh miền Tây với giá trị tư liệu dồi dào, phong phú và đầy hữu ích, tác giả J. C. Baurac trở lại cùng chúng ta với tác phẩm giúp hoàn thiện bộ sách địa chí của mình về con người và vùng đất phương Nam: Các tỉnh miền Đông. Nhìn chung, về mặt sắp xếp nội dung từng chương về từng hạt, cuốn sách sau không có gì quá khác biệt so với phần thứ hai ở cuốn về miền Tây.
Là tập thứ hai của bộ sách Nam Kỳ và cư dân nên lần này tác giả Baurac đi thẳng vào việc giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam Kỳ. Các hạt này gồm: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An (theo cách xếp của người Pháp, 3 địa phương này thuộc miền Đông Nam Kỳ, khác với cách xếp của chúng ta ngày nay là thuộc miền Tây Nam Bộ), Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore (quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay).
Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, bộ sách Nam Kỳ và cư dân không phải là tác phẩm đầu tiên viết về vùng đất Nam Kỳ. Hầu hết những tác phẩm trước đó là những hồi ức về quân sự, liên quan đến cuộc chiến tranh mà người Pháp đã thực hiện để xâm chiếm vùng đất Nam Kỳ và những cuộc tòng quân để chống lại lực lượng nghĩa quân, lực lượng kháng chiến của Trương Công Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân… Mãi đến thập niên 1980 chúng ta mới có trong tay một tác phẩm có tính chất biên khảo, với sự khảo cứu kỹ lưỡng của một người đã dày dạn trong vùng đất Nam bộ, đó là bác sĩ Baurac.
“Bộ sách của ông có sự khác biệt rất lớn. Đây không phải là một hồi ức về chiến tranh, mang tính cá nhân của tác giả mà nó là một công trình nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng và hệ thống của một cá nhân về một vùng đất rộng lớn lớn mà lúc đó bao gồm trên 20 hạt tham biện, mỗi một nơi được tác giả Baurac miêu tả một cách hết sức tỉ mỉ về nhiều mặt, chủ yếu là về mặt địa chí, về diện tích, giao thông, các phương tiện công cộng. Nhưng không chỉ riêng về địa chí mà cuốn sách có sự xen lẫn vào đó những yếu tố lịch sử rất quan trọng mà nhiều yếu tố vượt ra ngoài tầm hiểu biết của chúng ta trong thời gian trước đó”, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nói thêm.