Trường ĐH Kinh tế TPHCM tuyển sinh 8.250 chỉ tiêu và mở nhiều ngành học mới. Trường có 5 chương trình đào tạo mới gồm các ngành học: Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Công nghệ logistics (Logtech); một chương trình song bằng mới về kinh tế chính trị - luật và quản trị địa phương. Tại cơ sở TPHCM, trường tuyển sinh 7.650 chỉ tiêu với 51 chương trình đào tạo và tại Phân hiệu Vĩnh Long, trường tuyển sinh 600 chỉ tiêu với 14 chương trình đào tạo. Đặc biệt, trong năm 2023, trường sẽ cho ra mắt chương trình song ngành/song bằng tích hợp mới là: Kinh tế chính trị và luật, Quản trị địa phương. Trường giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2022. Tuy nhiên, trường sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM đã đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên. Thí điểm mở ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ Thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường ĐH An Giang); Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dự kiến mở 5 ngành học mới trong năm 2023 gồm: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng dự kiến mở 5 ngành học mới trong năm nay: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường ĐH Lạc Hồng cũng sẽ tuyển sinh 4 ngành mới gồm: Kinh doanh quốc tế, Truyền thông đa phương tiện, Tổ chức quản lý dược, Dược lý và Dược lâm sàng.
Năm 2023, Trường ĐH Ngoại thương sẽ mở 2 ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.