Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học vừa qua, các cơ sở GDĐH đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với GDĐH. Các cơ sở đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho GDĐH.
Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động GDĐH, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 về GDĐH, cao đẳng sư phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc thực hiện tự chủ đại học ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập, kiện toàn hội đồng trường, quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường với ban giám hiệu... Việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm còn chậm, nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.
Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm; hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng chậm, chưa đồng đều giữa các cơ sở GDĐH; công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.
Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 cao hơn năm 2022 ở tất cả các trình độ và hình thức đào tạo. Kết quả thực hiện chỉ tiêu năm 2023 cũng tăng, góp phần mở rộng quy mô đào tạo các trình độ của GDĐH.
Năm 2024, quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023, trong đó phải nói đến sự tăng đáng kể của lĩnh vực toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y (khối ngành này tăng 62.060 sinh viên với tỷ lệ 10,59% so với năm 2023). Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó phải nói đến sự tăng mạnh nhất của khối ngành đào tạo giáo viên (tăng 3.353 học viên tương ứng tăng 34,79% so với năm 2023), khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật (tăng 3.205 học viên với tỷ lệ tăng 10,48% so với năm 2023)... Quy mô đào tạo tiến sĩ bắt đầu tăng mạnh ở tất cả các khối ngành so với năm 2023.
Bộ GD-ĐT nhận định, các cơ sở đào tạo đã quan tâm sâu hơn việc mở ngành để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và của từng địa phương. Số lượng ngành đào tạo quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm có: du lịch, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo...