Hình thức, thủ đoạn của những đối tượng này rất đa dạng, phức tạp, như: gọi điện, nhắn tin, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng cáo bán sách, bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dịch vụ làm đẹp…
Tình trạng giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo không những vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh đẹp bộ đội Cụ Hồ, vì vậy cần phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm khắc. Để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nói trên, chính quyền các địa phương, nhất là lực lượng quản lý thị trường, cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, tàng trữ, buôn bán trái phép quân trang, quân phục, quân hiệu. Các đơn vị, nhất là lực lượng chuyên trách kiểm soát quân sự, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng giả danh. Về chế tài xử lý, theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện các hành vi phạm tội khác, như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội đó.
Nguyễn Nam Tiến giả danh đại tá, bị bắt chiều 1-3-2023 |
Theo Đại tá Cao Thái Nghĩa, Trưởng phòng Bảo vệ an ninh Quân khu 7, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn một cách hiệu quả đối với việc các đối tượng xấu sử dụng quân trang để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ và người dân. Quân nhân không được cho, tặng, bán quân trang cho người ngoài quân đội; chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng quân trang. Đồng thời tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh, quản lý, cấp phát, sử dụng quân trang, phòng ngừa hành vi móc nối mua bán quân trang sai quy định hay làm giả, mua bán trái phép quân trang.