Bệnh nhân N.L.T.D., 13 tuổi (tỉnh Bình Thuận) bị cong vẹo cột sống bên phải gần 2 năm, khiến người bệnh sinh hoạt khó khăn, tự ti về ngoại hình, đặc biệt trong tuổi dậy thì.
Qua thăm khám, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nắn chỉnh khối cong vẹo cột sống bằng hệ thống nẹp vít và các dụng cụ chỉnh hình chuyên dụng, đảm bảo thần kinh toàn vẹn cho bệnh nhân. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, không tổn thương về thần kinh, có thể đi lại nhẹ nhàng và tiếp tục tập phục hồi chức năng.
Trường hợp bệnh nhân B.L.D. (12 tuổi, ngụ tại TPHCM) phát hiện cột sống cong bất thường từ sau khi dậy thì. Khối cong vẹo lưng đã ảnh hưởng đến vẻ ngoài, dáng đi khiến bệnh nhân tự ti, ngại tiếp xúc. Sau 2 ngày, bệnh nhân đã tự đi đứng tốt. Theo bác sĩ BS-CKI Trần Dạ Vương, Khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Vạn Phúc City, vẹo cột sống có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuổi dễ phát triển nhanh nhất là dậy thì từ 10 – 17 tuổi (nhất là quanh tuổi có kinh nguyệt) ở các bé gái và 12 – 18 tuổi ở các trẻ trai.
Trước đó, bệnh viện cũng vừa phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống cho bệnh nhân N.T.Th. (47 tuổi, quê Gia Lai) bị té trên cây cao xuống bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, bắt vít chân cung qua da đa tầng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau ở cột sống ngực. Kết quả chụp X.quang, CT.scan cột sống cho thấy, bệnh nhân bị gãy cột sống ngực 12. Ngay lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu làm vững cột bắt vít. Một ngày sau mổ bệnh nhân hết đau tê, ngồi dậy được, phục hồi rất nhanh.
Theo BS Trần Dạ Vương, kỹ thuật xâm lấn tối thiểu bắt vít chân cung đốt sống qua da đa tầng điều trị chấn thương cột sống là một kỹ thuật mổ tiên tiến đã được bệnh viện áp dụng. Do sử dụng những vết mổ rất nhỏ khoảng 2cm, không phải banh ép cơ, nên sau mổ bệnh nhân rất ít đau, vết mổ liền nhanh, giúp hạn chế tổn thương đến các cơ, mô lân cận và hồi phục sớm.