Nhiều trường đại học “lo” không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Nhiều trường đại học đồng tình ban hành chuẩn với cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT, đồng thời cũng phản biện nhiều vấn đề cũng như bày tỏ lo lắng nếu không đạt chuẩn, công tác tuyển sinh có thể bị ảnh hưởng.

Ngày 1-8, tại Trường Đại học Thái Nguyên, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm góp ý kiến về dự thảo thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Chuẩn cơ sở GDĐH gồm 6 tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn gồm: tổ chức và quản trị; giảng viên; điều kiện học tập; tài chính; tuyển sinh và đào tạo; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Các tiêu chuẩn này được chia nhỏ thành 24 tiêu chí.

Đáng chú ý, về tiêu chuẩn điều kiện học tập, các ý kiến quan tâm đến tiêu chí “về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu trên một người học chính quy, quy chuẩn theo trình độ và lĩnh vực đào tạo, không nhỏ hơn 5 mét vuông tính theo mỗi địa phương mà cơ sở đào tạo có trụ sở, phân hiệu”.

TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, ở nhiều trường đại học địa phương thì đang đang lãng phí tài sản vì diện tích quá lớn, trong khi các trường đại học ở TPHCM, Hà Nội thì chật chội, quỹ đất không còn. Ông hy vọng sau khi chuẩn này ra đời sẽ giúp 2 đô thị lớn chuẩn bị quỹ đất để bảo đảm điều kiện cho các trường đại học.

Tọa đàm về chuẩn cơ sở giáo dục đại học

Tọa đàm về chuẩn cơ sở giáo dục đại học


PGS-TS Trương Đại Lượng, Trưởng phòng đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng băn khoăn về tiêu chí diện tích sàn xây dựng.

Theo ông, các trường nội thành Hà Nội, TPHCM rất khó khăn về đất đai, ví dụ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thuộc Bộ VHTT-DL đã 20 năm nay chưa thực hiện quy hoạch được vì không có quỹ đất. Do đó, với các trường chưa đáp ứng về tiêu chí về diện tích sàn xây dựng đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tạm thời trong những năm tới chưa tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho đến khi có thêm quỹ đất mới, “còn nếu áp theo tiêu chí sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh là rất khó cho các trường”.

Thầy Hoàng Bùi Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế quan tâm đến tiêu chí tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học công nghệ trên tổng thu của cơ sở đào tạo, tính trung bình trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 5% và đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ phải đạt tối thiểu 10%.

Theo ông, đây là ý tưởng tốt, nhưng không khả thi với các ngành khoa học đặc thù như y dược. Thầy Nguyễn Ngọc Quang, Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng), thầy Trương Đại Lượng (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cũng cho rằng, quy định này không phù hợp với trường quân đội, ngành đào tạo văn hóa đặc thù.

GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên

GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên

Tiêu chí “số lượng công bố khoa học quy chuẩn theo lĩnh vực đào tạo hàng năm tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian đạt tối thiểu 0,3 bài, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ không phải trường chuyên ngành đặc thù chỉ tính các bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus” của tiêu chuẩn 6 cũng được TS Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng nhiều trường khó đạt được. Không thể cứ nói phấn đấu đạt được, vậy trong vài năm tới chưa đạt thì các trường có bị “trừ” chỉ tiêu tuyển sinh không?

Một số ý kiến cho rằng, những tiêu chí của bộ chuẩn có thể không đạt ngay được, do đó phải có lộ trình để các trường thực hiện.

Có quan điểm ngược lại, GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, Chuẩn cơ sở GDĐH là cơ sở để các trường quyết tâm hoàn thiện, mở rộng thêm điều kiện hoạt động, ví dụ đầu tư thêm khuôn viên, thu hút thêm giảng viên có tiến sĩ...

TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục) cũng cho rằng, vấn đề mở rộng diện tích đất của các trường đại học là “muôn thuở”, chúng ta đều ao ước trường đại học của Việt Nam rộng, đẹp như đại học nước ngoài, do đó “đưa ra chuẩn này để các địa phương phải phấn đấu bố trí quỹ đất cho trường đại học.

“Hà Nội hiện nay có khoảng 600.000 sinh viên, nếu cứ khư khư ở nội thành thì không thở nổi. Do đó, cần mạnh dạn di dời các trường ra ngoại thành - những nơi có đất”, TS Lê Đông Phương nêu.

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường phải phấn đấu mở rộng diện tích xây dựng, có khu vui chơi cho sinh viên, tăng nghiên cứu khoa học... Tiêu chuẩn đưa ra là cần thiết để thực hiện tốt quy hoạch đại học, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo. Đừng vì những khó khăn, nút thắt trước mắt mà không đặt mục tiêu phấn đấu. Các trường cần có cái nhìn rộng hơn cho cả hệ thống, vì mục tiêu phát triển lâu dài cho cả hệ thống đại học, để quy hoạch mạng lưới bài bản, hiệu quả.

“Không nên chỉ nhìn vào trước mắt, sợ không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ bị ảnh hưởng tuyển sinh, mà cần nhìn vào mục tiêu dài hạn để tiếp tục nâng cao điều kiện hoạt động của mình. Chuẩn chỉ là điều kiện tối thiểu. Các trường dù đã đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn đều cần có kế hoạch để tiếp tục quản trị, nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng”, Thứ trưởng Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường không nên chỉ lo ảnh hưởng công tác tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường không nên chỉ lo ảnh hưởng công tác tuyển sinh

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, Chuẩn cơ sở GDĐH có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến các trường. Hiện nay, cả nước có trên 240 trường đại học. Với số lượng trường lớn, các cơ sở GDĐH được trao quyền tự chủ rất cao, gắn với trách nhiệm lớn. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không can thiệp vào các công việc nội bộ chi tiết của từng trường, nhưng không vì thế mà giảm đi mức độ chặt chẽ. Thay vào đó, quản lý ở tầm vĩ mô cần nắm những yếu tố chính, yếu tố cốt lõi đó là những điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả hoạt động.

Bộ GD-ĐT đưa ra chuẩn không phải để đối sánh, xếp hạng mà quan trọng là để các trường nỗ lực thay đổi, phát triển một cách tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục