Mòn mỏi ngóng thí sinh
Năm 2020 là năm đầu tiên Trường ĐH An Giang tuyển sinh với danh nghĩa là trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Tuy nhiên, sức hút vẫn không tác động nhiều với thí sinh. Ngay khi công bố điểm chuẩn đợt 1, trường đã ra thông báo xét tuyển bổ sung cho 35/39 ngành đào tạo của trường. Chỉ tiêu tuyển bổ sung chiếm gần 20% tổng chỉ tiêu với điểm chuẩn bằng điểm chuẩn đợt 1, dao động từ 15 đến 20 điểm. Như vậy, phải xét tuyển bổ sung cho gần 90% số ngành đào tạo của trường.
Trường ĐH Đồng Tháp cũng tuyển bổ sung 180 chỉ tiêu với 12 ngành sư phạm bậc ĐH và một ngành cao đẳng sư phạm. Điểm sàn xét tuyển 18,5; trừ hai ngành Sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật 17,5. Ngoài ra, trường này còn tuyển bổ sung 9 ngành ngoài sư phạm gồm Việt Nam học, Quản lý văn hóa, Tài chính - Ngân hàng, Khoa học môi trường, Khoa học máy tính, Nông học, Nuôi trồng thủy sản, Công tác xã hội, Quản lý đất đai với 157 chỉ tiêu. Điểm sàn xét bổ sung tất cả ngành là 15.
Ngay cả nhiều ĐH vùng cũng xét tuyển bổ sung rất nhiều ngành. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tuyển bổ sung hầu hết các ngành sư phạm. Đáng chú ý là chỉ tiêu tuyển bổ sung của nhiều ngành sư phạm rất nhiều như Vật lý 100 chỉ tiêu, Sinh học 126 chỉ tiêu, Khoa học tự nhiên 171 chỉ tiêu, Lịch sử - Địa lý 89 chỉ tiêu, Tin học 68 chỉ tiêu, Lịch sử 76 chỉ tiêu...
Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long năm nay tuyển sinh khóa đầu tiên, cũng chật vật xét tuyển bổ sung
Trường ĐH Tây Nguyên tuyển bổ sung 30/34 ngành bậc ĐH và cũng phải xét tuyển bổ sung với hơn 1.000 chỉ tiêu. Thông báo tuyển bổ sung được đưa ra ngay sau khi công bố điểm chuẩn. Điều này cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển. Trong khi đó, điểm sàn xét tuyển cũng chỉ dao động từ 15 đến 19.
Đáng chú ý là một số ngành có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn tối thiểu, nhưng số chỉ tiêu xét tuyển bổ sung rất lớn như Sư phạm Vật lý 145 chỉ tiêu, Sư phạm Hóa học 110 chỉ tiêu, Sư phạm Sinh học 110 chỉ tiêu, Sư phạm Văn 75 chỉ tiêu, Sư phạm Toán 60 chỉ tiêu...
Trường ĐH Quy Nhơn cũng thông báo tuyển bổ sung gần 1.500 chỉ tiêu cho 39 ngành trong tổng số 46 ngành đào tạo. Trong đó, không ít ngành mới chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Trường ĐH Phú Yên cũng xét tuyển bổ sung 8/10 ngành đào tạo.
Ngay tại TPHCM, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung đến 14/17 ngành bằng cả hai phương thức điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, trường xét bổ sung 756 chỉ tiêu, mỗi ngành dao động từ 26 đến 100 chỉ tiêu. Tại Đồng Nai, Trường ĐH Đồng Nai xét tuyển bổ sung 6/14 ngành. Ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Xây dựng xét tuyển bổ sung 12 ngành với 650 chỉ tiêu.
Tại Lâm Đồng, Trường ĐH Đà Lạt tuyển bổ sung đến 700 chỉ tiêu cho 28 ngành, trong đó 80 chỉ tiêu các ngành sư phạm: Toán học, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học. Trường tuyển bổ sung bằng cả 3 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập lớp 12 hoặc lớp 11 cộng với học kỳ I lớp 12, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Trong đó, điểm sàn xét tuyển những ngành ngoài sư phạm chỉ dao động từ 15 đến 17 điểm…
Nguyên nhân vì đâu?
Thực tế cho thấy, năm 2020 các trường được sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh so với những năm trước đây. Tuy nhiên, bức tranh tuyển sinh của nhiều trường ở các địa phương vẫn kém sức hút.
Điểm dễ nhận thấy là ngay cả các phân hiệu của trường ĐH lớn mở ở các địa phương vẫn chung cảnh ngộ. Chẳng hạn, phân hiệu ĐH Quốc gia TPHCM ở Bến Tre; Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM ở Gia Lai, Ninh Thuận; Phân hiệu ĐH Đà Nẵng ở Kon Tum; Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM ở Vĩnh Long; Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TPHCM ở Quảng Ngãi… không chỉ điểm chuẩn thấp hơn so với cơ sở chính mà cũng phải trông chờ thí sinh bằng xét tuyển bổ sung.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: Các trường ở địa phương kém sức hút với thí sinh có nhiều nguyên nhân nhưng dễ nhận thấy nhất chính là vấn đề chất lượng. Nguyên nhân có thể nói đến là cơ sở vật chất có thể đàng hoàng nhưng “nội dung” thì rất kém, thậm chí không có gì. Đội ngũ giảng viên thì không thể sánh bằng hoặc người giỏi bị hút hết về các thành phố lớn.
Ngoài ra, kinh tế địa phương phát triển chưa tương xứng nên vấn đề đầu ra khiến người học không an tâm… Dù tuyển sinh khó khăn nhưng hàng năm ngân sách tỉnh vẫn phải rót để các trường duy trì hoạt động, tuyển sinh không được dẫn đến rất khó khăn, lãng phí ngân sách. Do đó, nếu để các trường này tự chủ thì có thể sẽ có hướng phát triển hơn.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của chất lượng đào tạo các trường này trong bối cảnh phải cạnh tranh nguồn tuyển sinh với các trường ĐH trung ương vốn có truyền thống lâu đời hơn trường địa phương. Tự chủ ĐH đang được đẩy mạnh tạo ra sân chơi bình đẳng hơn, những trường nào quản trị yếu kém và trông chờ bao cấp như các trường địa phương, nếu không có sự đổi mới mạnh thì nguy cơ giải thể hoặc sẽ chỉ tuyển được trình độ cao đẳng.