Điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để đăng ký xét tuyển vào trường đại học. Điểm chuẩn vào trường sẽ được công bố sau đó. Do vậy, thí sinh lưu ý, điểm sàn mới là điều kiện cần, chưa phải đủ điều kiện trúng tuyển.
PGS-TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương khuyến cáo, cần phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển nhằm tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Do tính chất khác nhau nên thông thường điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm sàn, tùy vào tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành, trường đó. Thực tế, có trường công bố điểm trúng tuyển cách xa điểm sàn từ 6 - 9 điểm.
Đơn cử, năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) dao động từ 26,8 - 28,3 điểm, trong khi điểm sàn xét tuyển chỉ 20 điểm. Do đó, thí sinh cần thận trọng khi đăng ký xét tuyển, cần tham khảo điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển.
Cùng với đó, thí sinh tìm hiểu về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của ngành/trường đó. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc nhiều yếu tố, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Để đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên dựa vào 2 yếu tố: điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các trường mà thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố mức điểm sàn xét tuyển.
Ngày 19-7, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo điểm chuẩn năm 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ba ngành dự kiến có đầu vào cao nhất là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với mức trên 28 điểm. Đây cũng là những ngành có điểm chuẩn cao nhất mấy năm gần đây.
Các ngành có điểm trúng tuyển ở mức 27-28 là Kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, An toàn không gian số, Công nghệ thông tin (Việt - Nhật, Global ICT, Việt - Pháp). Cũng có ngành chỉ lấy 20-22,75 điểm như Công nghệ dệt may, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học và kỹ thuật vật liệu (chương trình tiên tiến). Mức dự báo các ngành này tăng so với năm ngoái khoảng 0,75 điểm. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự báo điểm chuẩn theo điểm thi đánh giá tư duy với mức từ 50 trở lên.
Trường Đại học Ngoại thương (FTU) công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho hai phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, FTU lấy điểm sàn 24 cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng 0,5 điểm so với năm 2023. Nếu xét tuyển bằng 3 môn thi (phương thức 4), thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. Mức này áp dụng cho tất cả ngành, đã bao gồm điểm ưu tiên. Nếu kết hợp điểm thi với điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (phương thức 3), điểm sàn từ 16-17. Đây là tổng hai môn, gồm Toán và một trong các môn Lý, Hóa, Văn, chưa gồm điểm ưu tiên. Năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Ngoại thương khoảng 26,2-28,5 điểm.
Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết điểm sàn xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT được chia 3 mức là 15, 18 và 20. Mức 20 điểm áp dụng với thí sinh đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) và 18 với các tổ hợp khác. Đây là tổng điểm 3 môn, không tính điểm ưu tiên. Với ngành Luật Thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh, thí sinh cần có điểm môn tiếng Anh từ 7 trở lên. Nếu đăng ký vào phân hiệu của trường tại Đắk Lắk, thí sinh chỉ cần tổng điểm 3 môn 15 là đủ điều kiện.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố 2 mức điểm sàn theo thang điểm 30 và 40, lần lượt là 18 và 25. Các chương trình đào tạo được chia thành 4 nhóm. Nhóm 1 gồm các ngành Báo chí, nhóm 2 là khối lý luận, nhóm 3 là ngành Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng, nhóm 4 gồm các ngành về Truyền thông, Quảng cáo, Quan hệ quốc tế. Nhóm 1, 3 và 4 có các môn chính (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh) trong mỗi tổ hợp xét tuyển, được tính trên thang điểm 40, trong đó môn chính nhân đôi. Điểm sàn của nhóm này 25 điểm, tương tự năm ngoái. Các ngành thuộc nhóm 2 không nhân hệ số môn nào, lấy điểm sàn là 18/30. Thí sinh phải đạt trung bình 6,5 điểm ở lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12 trở lên, kèm hạnh kiểm khá mới được nộp hồ sơ.
Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của Trường Đại học Thương mại là 20 với tất cả ngành.
Tất cả ngành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lấy điểm sàn 20 cho tổ hợp 3 môn.
Trường Đại học FPT cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển là 21 điểm.
Từ ngày 18-7 đến 17 giờ ngày 30-7, Hệ thống chính thức mở để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học.