Nhiều trường đại học chật vật tuyển sinh

Đến thời điểm này, trong khi nhiều trường đại học (ĐH) đã kết thúc tuyển sinh, khai giảng năm học mới thì hàng loạt trường vẫn tiếp tục xét tuyển. Nhiều trường ĐH có những ngành chỉ tuyển sinh được vài chỉ tiêu, thậm chí có ngành buộc phải dừng tuyển sinh vì không có thí sinh đăng ký.

Nhiều ngành tuyển chưa đủ chỉ tiêu

Kết thúc xét tuyển đợt 1, Trường ĐH Tây Nguyên thiếu gần 600 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2023 là 2.900 chỉ tiêu). Kết thúc xét tuyển đợt 2, trường chỉ tuyển được thêm 178 chỉ tiêu và phải tiếp tục xét tuyển đợt 3. Nhiều ngành còn thiếu nhiều chỉ tiêu, như ngành Lâm sinh tuyển được 1/45 chỉ tiêu cần tuyển, Công nghệ sinh học tuyển được 1/45 chỉ tiêu, Kinh tế nông nghiệp tuyển được 1/30 chỉ tiêu, Công nghệ thực phẩm tuyển được 1/25 chỉ tiêu… Theo đại diện nhà trường, khả năng tuyển được 30%-40% chỉ tiêu cho những ngành này là rất khó. Đây là những ngành luôn rất khó tuyển trong những năm gần đây.

Trường ĐH Phú Yên kết thúc tuyển sinh đợt 1 với 360 thí sinh trúng tuyển, trong khi tổng chỉ tiêu cần tuyển là 560. Ở các đợt xét tuyển bổ sung, trường chỉ tuyển cho các ngành ngoài sư phạm, trong đó một số ngành tuyển 30-40 chỉ tiêu. Dù mức điểm xét tuyển rất thấp (phương thức xét học bạ THPT là 16,5 điểm cho tổng điểm cả năm lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển 3 môn - tức trung bình 5,5 điểm/ môn gồm điểm ưu tiên) nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Thí sinh viết hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh viết hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, ở đợt xét tuyển bổ sung thứ 2, Trường ĐH Bạc Liêu thông báo tuyển 261 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2023 của trường là 745) cho 11 ngành, gồm cả phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Một số ngành như Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường... mới chỉ có vài thí sinh trúng tuyển.

Theo đại diện Trường ĐH Hà Tĩnh, hiện nay trường mới tuyển được 50% chỉ tiêu và vẫn tiếp tục xét tuyển bổ sung cho đến hết mùa tuyển sinh năm 2023 (cuối tháng 12-2023). Tuy nhiên, có 2 ngành trường chắc chắn không thể mở lớp do không có thí sinh trúng tuyển, là ngành Khoa học môi trường và Khoa học cây trồng.

Ngay tại TPHCM, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM thông tin, một số ngành rất khó tuyển chỉ tiêu. Ở đợt xét tuyển bổ sung thứ 3, trường thông báo tuyển 115 chỉ tiêu cho 3 ngành: Bất động sản, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường. Theo đại diện nhà trường, ngành Quản lý tài nguyên biển đảo chỉ tuyển được vài chỉ tiêu, ngành Quản lý tài nguyên nước tuyển được trên 10 chỉ tiêu, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước phải dừng tuyển sinh do khó tuyển.

Cần có nhiều giải pháp

Theo PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, một số ngành khó tuyển của trường nằm trong bối cảnh chung của các trường cùng đào tạo khối ngành về tài nguyên môi trường của cả nước. Nguyên nhân trực tiếp là do xu hướng lựa chọn ngành nghề của người học. Trước mắt, với với xu hướng đào tạo xuyên - liên ngành, dù ít thí sinh trúng tuyển ở một số ngành, trường vẫn tổ chức đào tạo để duy trì ngành học. Về lâu dài, cần có sự phối hợp của cơ quan trung ương và địa phương trong dự báo nguồn nhân lực để người học có định hướng trong chọn ngành nghề.

Trong khi đó, các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như Bảo vệ thực vật, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Lâm sinh... là những ngành nhiều năm liền thuộc diện khó tuyển. Theo số liệu tổng kết tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, có đến 64/330 trường tuyển sinh yếu kém (tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu).

Đáng chú ý, có 4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất, gồm: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Cụ thể, năm 2022, nhóm Nông lâm nghiệp và thủy sản tuyển được 49,1% chỉ tiêu (giảm 13% so với năm 2021); Khoa học sự sống tuyển được 57,92%; Khoa học tự nhiên tuyển được 59,43% và Dịch vụ xã hội tuyển được 61,36% (giảm 6% so với năm 2021). Ngoài 4 nhóm ngành này, nhiều nhóm ngành khác cũng có tỷ lệ tuyển sinh rất thấp như: Môi trường và bảo vệ môi trường, Dịch vụ vận tải, Toán và thống kê...

PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, chúng ta đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hiện đại, nhưng như thực tế tuyển sinh của nhiều ngành nông nghiệp hiện nay là rất khó thực hiện. Không có đầu vào tốt thì đầu ra sẽ khó có người giỏi. Để giải bài toán này, trước hết, về mặt chính sách vĩ mô cần phải có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực của ngành ở tầm trung hạn và dài hạn. Cùng với đó, phải có chính sách ưu tiên để tuyển sinh cho những ngành này, như đang thực hiện ở hai ngành Du lịch và Công nghệ thông tin. Tiếp đến là một số địa phương cần phải có chính sách thu hút và đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân nguồn nhân lực có chuyên môn nông nghiệp ở lại địa phương hoặc về địa phương làm việc.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), một số ngành gặp khó trong tuyển sinh là thực trạng chung. Tuy nhiên, với những ngành quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực của quốc gia thì cần phải có những giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn các ngành sư phạm trong những năm gần đây có nhiều giải pháp và đã lấy lại được sức hút. Trong khi đó, các ngành nông nghiệp, khoa học sự sống, khoa học cơ bản cũng cần phải có những giải pháp cấp bách hơn để tạo sức hút và đảm bảo nguồn nhân lực cho quốc gia. Hiện nay, hai ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) đã linh động khi có nhiều chính sách học bổng để thu hút người học theo học một số ngành thuộc diện khó tuyển.

Tin cùng chuyên mục