Chỗ dựa của trẻ nhiễm HIV
Hơn 10 năm nay, đều đặn theo định kỳ, chị Lan lại đưa bé T.H. từ An Giang lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM khám bệnh. Nhiễm HIV do mẹ truyền sang con, nhưng mãi đến năm 4 tuổi, bé T.H. mới được phát hiện bệnh sau khi bị chảy máu mũi kéo dài. Chị Lan cho biết, trước khi điều trị, bé T.H. hay mắc bệnh vặt, sốt, chảy máu mũi liên tục, nhưng từ khi được điều trị đến nay, con trai của chị sức khỏe ổn định, đi học đều đặn.
Nói về lý do hàng tháng phải đưa con lên BV Nhi đồng 1, chị Lan cho hay: “Tôi không dám cho cháu điều trị tại tỉnh nhà vì lo sợ sẽ bị những người xung quanh, bạn bè biết cháu nhiễm HIV và sẽ kỳ thị, xa lánh, khiến cháu không có được một tuổi thơ bình thường”.
Bên cạnh đó, khi điều trị tại BV Nhi đồng 1, mẹ con chị Lan được các bác sĩ cấp thuốc, tư vấn rất nhiệt tình, chu đáo.
Đây chỉ là một trong những trường hợp trẻ nhiễm HIV đang được theo dõi, điều trị tại Phòng khám ngoại trú, Khoa Nhiễm - Thần kinh của BV Nhi đồng 1. Bắt đầu từ năm 2005, Phòng khám ngoại trú ra đời và điều trị cho hàng ngàn trẻ nhiễm HIV không chỉ của TPHCM mà còn ở các tỉnh, thành phía Nam.
Phụ huynh đưa trẻ đi khám và điều trị HIV tại BV Nhi đồng 1
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, hầu hết trẻ nhiễm HIV đang điều trị tại đây đều do lây truyền từ mẹ. Trước đây, khi chưa có chương trình dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con thì số lượng trẻ nhiễm HIV rất nhiều, có những thời điểm, Khoa Nhiễm - Thần kinh điều trị cho hơn 1.000 trẻ. Đến nay, một phần trẻ đã chuyển sang điều trị theo chương trình người lớn, cùng với việc phòng chống lây truyền từ mẹ sang con được thực hiện hiệu quả nên số trẻ nhiễm cũng giảm bớt. Hiện nay, khoa này đang điều trị cho 502 trẻ, trung bình mỗi tháng tiếp nhận thêm 4 - 10 trẻ mắc mới.
Đáng chú ý, sau khi Phòng khám ngoại trú ra đời, số lượng trẻ tử vong do nhiễm HIV đã giảm một cách ngoạn mục. Nếu như giai đoạn 2005-2011 có 85 trẻ tử vong (chiếm tỷ lệ 1,8%/năm), thì từ 2012 đến 2014 giảm còn 34 trẻ (chiếm 1,4%/năm). Và đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, số trẻ tử vong là 16 (0,2%/năm).
“Điều này cho thấy hiệu quả từ chương trình điều trị cho trẻ nhiễm đang ngày càng tăng cao, chúng ta dần hạn chế được số lượng trẻ nhiễm tử vong”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.
Còn nhiều thách thức
“Điều trị nhiễm HIV cho trẻ em khó hơn người lớn rất nhiều bởi trẻ khó tuân thủ đúng chỉ định, đặc biệt là nhiều trẻ không chịu uống thuốc”, bác sĩ Khanh nhận định. Mặt khác, nếu người lớn chỉ cần một liều thuốc ổn định thì với trẻ em, lượng thuốc điều trị phải thay đổi thường xuyên theo cân nặng của trẻ; thuốc của người lớn chỉ là 1 viên nén, thuốc của trẻ em lại có nhiều dạng như viên nén, siro hoặc phải phối hợp nhiều loại khác nhau, khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp.
Bên cạnh đó, theo thời gian, trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn được các bác sĩ gọi là “giai đoạn bản lề” do những thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì. Khoảng 10 - 15 tuổi, trẻ bắt đầu có dấu hiệu chống đối, nổi loạn, không hợp tác, như không chịu uống thuốc, không chịu đi khám…
Mặc dù vậy, nhiều gia đình lại không muốn cho trẻ biết tình trạng bệnh của mình. Chị Thu Hương, mẹ của bé T.T. (12 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), đang rất lo lắng bởi con trai của chị bắt đầu tò mò về căn bệnh của mình: “Càng ngày cháu càng hay thắc mắc với mẹ là làm sao mà phải uống thuốc, sao cháu không được chạy nhảy quá nhiều, không được đụng vào bạn khi bị trầy xước…”.
Nói về lý do không muốn cho con biết tình trạng bệnh của mình, chị Hương cho hay gia đình muốn cháu có một tuổi thơ bình thường, không bị mặc cảm bệnh tật. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong kế hoạch điều trị trẻ nhiễm HIV, đến một thời điểm nào đó bắt buộc phải cho trẻ biết tình trạng bệnh. Bởi nếu không cho trẻ biết thì trẻ sẽ không tuân thủ điều trị, hoặc sẽ không phòng chống lây nhiễm cho cộng đồng.
“Nguy hiểm nhất là trẻ bị kháng thuốc do bỏ điều trị và virus kháng thuốc này lây lan cho nhiều người khác. Như vậy, việc điều trị và khống chế đại dịch HIV sẽ vô cùng khó khăn”, bác sĩ Khanh lo ngại.
Nêu lên hậu quả của việc không cho trẻ biết tình trạng bệnh của mình, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, thực tế đã có một vài trường hợp trẻ vị thành niên bị sốc sau khi biết mình nhiễm HIV, bỏ đi lang thang, bỏ điều trị, quan hệ tình dục bừa bãi nhằm mục đích “trả thù đời”.
“Trẻ trong giai đoạn bản lề, bên cạnh công tác điều trị thì rất cần sự tư vấn tâm lý, nhưng hiện nay, hầu như các cơ sở điều trị HIV cho trẻ em đều thiếu bộ phận này, do không có nguồn kinh phí”, bác sĩ Khanh cho hay.
Hiện tại, Phòng khám ngoại trú của Khoa Nhiễm - Thần kinh chỉ có 3 nhân viên y tế phụ trách điều trị và tư vấn cho hơn 500 trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhân sự bị cắt giảm chỉ còn 1 người. Do đó, bác sĩ Khanh lo ngại, việc tư vấn tâm lý sẽ hoàn toàn bị bỏ trống và điều này sẽ để lại hậu quả không nhỏ về sau, khi số lượng trẻ trong “giai đoạn bản lề” gia tăng.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS cần nhìn nhận lại một cách đúng đắn về công tác điều trị HIV, nhất là cho trẻ em. Bởi đối tượng này nếu không được điều trị đầy đủ cả về thuốc lẫn tâm lý, thì nguy cơ kháng thuốc và lây lan rộng cho cộng đồng rất cao”.
Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH