Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đánh giá việc ký kết, phê chuẩn của nhiều văn bản pháp lý và tần suất cao các chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trong nửa đầu năm nay thể hiện vị trí ưu tiên của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; đồng thời tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam - EU.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange nhất trí cho rằng, trên nền tảng của quan hệ hợp tác tốt đẹp, với cơ chế đối thoại cởi mở, trong quá trình phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Sau quá trình phê chuẩn, quá trình thực thi là rất quan trọng, do đó Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu sẵn sàng hợp tác cùng nhau để thảo luận, tìm giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm hiện thực hóa những lợi ích mà các hiệp định này mang lại cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Về sửa đổi Bộ luật Lao động, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã có lộ trình sửa đổi Bộ luật Lao động và thông qua các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-2019, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn việc gia nhập Công ước 98 của ILO về áp dụng các nguyên tắc của quyền thương lượng tập thể và thảo luận nội dung Bộ luật Lao động sửa đổi. Trong quá trình xem xét, nghiên cứu các vấn đề của dự thảo Bộ luật, các cơ quan của Việt Nam đã tham khảo ý kiến, quan điểm của ILO để đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Với hai công ước còn lại của ILO (Công ước số 108 và Công ước số 87) mà Việt Nam chưa phê chuẩn, tinh thần của những công ước này cũng đã được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động.
Về vấn đề đánh bắt cá trái phép (IUU), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, quan điểm nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy khai thác hải sản có trách nhiệm và bền vững, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có phòng chống khai thác IUU. Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục tình hình khai thác IUU và xây dựng nghề cá bền vững. Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước (ban hành Luật Thủy sản năm 2017, các nghị định hướng dẫn trong đó có quy định về khai thác IUU...) và gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan. Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.