Nhiều trẻ mắc viêm não, viêm màng não

Những ngày gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều trẻ em mắc viêm não, viêm màng não.  
Chăm sóc bệnh nhi mắc viêm màng não tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM)
Chăm sóc bệnh nhi mắc viêm màng não tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM)

Dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường

Thấy con trai 10 tuổi sốt, đau họng kèm đau đầu, chị Huỳnh Ngọc Dung (mẹ bé trai) đã tức tốc đón xe từ Bạc Liêu đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cấp cứu. Chị Dung cho biết: “Ban đầu, tôi nghĩ con bị viêm họng. Tuy nhiên, ngày hôm sau, khi thấy con trai nằm li bì, nôn ói nhiều, không chịu chơi, đánh thức rất khó nên gia đình chuyển cháu lên TPHCM điều trị”. Khi vào đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi gần như hôn mê, mơ màng. Bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, đây là trường hợp điển hình của bệnh viêm màng não. 

Ban đầu các triệu chứng của bệnh dễ khiến phụ huynh nhầm với bệnh hô hấp, viêm họng. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã đáp ứng tốt với phác đồ, phản ứng nhanh hơn và trả lời được các câu hỏi của bác sĩ. “Hiện khoa đang điều trị cho 20 bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não, 6 ca mắc bệnh viêm não. Đa số các ca bệnh viêm não, viêm màng não có thời gian nằm viện kéo dài từ vài tuần đến vài tháng khiến quá trình điều trị khó khăn”, bác sĩ Dư Tuấn Quy thông tin.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo Th.S-BS Nguyễn Đình Qui, Quản lý Khoa Nhiễm, từ giữa tháng 10 đã xuất hiện những trường hợp trẻ nhiễm viêm não, viêm màng não được cha mẹ đưa đến viện. Cách đây vài tuần, bệnh nhi viêm não, viêm màng não điều trị nội trú vào khoảng 10-15 trường hợp/ngày, nhưng gần đây đã lên 20-30 ca. Còn tại Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang điều trị khoảng 10 trường hợp. 
Di chứng nặng nề
Bệnh viêm não, viêm màng não xảy ra quanh năm. Nguyên nhân gây bệnh đa phần là do vi khuẩn E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao, một số ít do virus, ký sinh trùng, nấm… Bệnh xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi và đều có thể xuất hiện tình trạng bệnh nặng. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ nhũ nhi sức đề kháng yếu sẽ dễ gặp nguy hiểm hơn. Triệu chứng của viêm não, viêm màng não gồm sốt, quấy khóc nhiều (ở trẻ nhũ nhi), đau đầu (ở trẻ lớn), nôn ói, thóp phồng (ở trẻ nhũ nhi còn thóp) hoặc cổ gượng. Khi bệnh biến chứng nặng, trẻ sẽ có triệu chứng thần kinh nặng nề hơn như co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác (kích thích, li bì, hôn mê…). Bệnh có tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn, thậm chí có thể tử vong. 
Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ bị viêm não, viêm màng não như: bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém... “Hiện nay, một số loại vaccine có thể phòng ngừa được viêm màng não (với tác nhân khác nhau) như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (ngừa được viêm màng não do vi khuẩn HiB); vaccine phế cầu; vaccine não mô cầu… Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh”, bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo. 

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, tuần qua, Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho 6 ca lao màng não, trong khi trước đây chỉ rải rác 1-2 bệnh nhi. Qua kiểm tra, chỉ có 1/6 bệnh nhi có vết sẹo mờ của mũi vaccine phòng lao BCG. Lao màng não là bệnh ít gặp, rất nặng, để lại nhiều di chứng. Trẻ có thể bị điếc, mờ mắt, yếu liệt, di chứng thần kinh... nếu điều trị muộn. Vi khuẩn lao lây qua đường hô hấp, thông qua các hành động như khạc nhổ đờm, ho, hắt hơi, nói chuyện... xâm nhập vào máu gây ra các bệnh như lao hạch, lao màng bụng, lao da, lao xương, lao khớp, lao màng não, lao màng tim... Hiện vaccine ngừa lao BCG đã có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, được khuyến cáo chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh càng sớm càng tốt. 

-------------------------------------------------

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2022. Theo đó, chiến dịch sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 30-12 dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi (chưa uống bổ sung vitamin A liều cao trong tháng 12-2022). Bên cạnh đó, bổ sung vitamin A thường xuyên không theo chiến dịch cho các bà mẹ sau sinh (trong vòng 1 tháng) và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A (tiêu chảy kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ bị nhiễm sởi). 

Trước đó, ngày 5-12, Báo SGGP có đăng tải thông tin về việc TPHCM tạm hoãn triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2022. Lý do, HCDC vẫn chưa nhận được nguồn vitamin A từ Viện Dinh dưỡng để thực hiện chương trình. Đây không phải là lần đầu thành phố chậm nhận phân bổ vitamin A từ Viện Dinh dưỡng và theo các chuyên gia HCDC, việc trẻ chậm uống vitamin A liều cao không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ. 



Tin cùng chuyên mục