Nhiều tỉnh miền Trung: Mưa lũ bao vây

Trong hai ngày 9 và 10-10, trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi mưa rất to. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu, quốc lộ bị nước lũ chia cắt.  
 Nhiều tuyến đường, ngầm tràn tại huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) ngập sâu, gây ách tác giao thông. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Nhiều tuyến đường, ngầm tràn tại huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) ngập sâu, gây ách tác giao thông. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Mưa kỷ lục

Quảng Nam là nơi có lượng mưa lớn đến mức cực đoan, trong đó lượng mưa đo được tại hồ chứa Thạch Bàn và Vĩnh Trinh từ 7 giờ - 13 giờ ngày 10-10 lần lượt là 314mm và 354mm. Khu vực có lượng mưa lớn nhất từ 19 giờ ngày 9-10 đến 13 giờ ngày 10-10 tại khu vực hồ Vĩnh Trinh đo được là 491mm. Do vậy, từ sáng 10-10, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ngập lụt.

Nước lũ tại các huyện hạ du sông Thu Bồn và Vu Gia như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn... ngập sâu trong nước và chia cắt với bên ngoài. Nhiều tuyến đường huyết mạch như QL14B, QL14D, QL14H, QL40B, ĐT610, ĐT617 nước ngập sâu từ 0,3-0,6m khiến giao thông nối từ đường Hồ Chí Minh xuống QL1A bị tắc. 

Theo ghi nhận tại tuyến ĐT610 đoạn đi qua xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), bắt đầu từ 13 giờ ngày 10-10 nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất lớn. Nhiều đoạn của tuyến đường này ngập sâu khoảng 0,3-0,5m khiến nhiều xe máy không thể di chuyển, bị chết máy phải dắt bộ. Anh Nguyễn Minh Hải (trú xã Duy Trung) cho biết, nước bắt đầu đổ về vào khoảng đầu giờ trưa và lên rất nhanh, mỗi giờ lên khoảng 0,2-0,3m. Gia đình anh phải chuyển đồ đạc lên cao vì mưa lớn, nước lên nhanh, nguy cơ gây lũ là khó tránh khỏi. 

Nhiều tỉnh miền Trung: Mưa lũ bao vây ảnh 1 Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Tri, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông 

Nước lũ thượng nguồn đổ về nhanh khiến QL1A qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập từ 0,3-0,5m. Thiếu tá Huỳnh Tuế, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc, cho biết, thời điểm lũ ngập QL1A có rất đông công nhân, giáo viên, người dân buôn bán, phụ huynh chở con em đi học… bằng xe máy lưu thông qua cung đường này nên đã huy động tối đa lực lượng phối hợp Phòng CSGT Công an tỉnh túc trực bám đường để giúp đỡ, hướng dẫn người tham gia giao thông không đi vào những khu vực ngập sâu gây nguy hiểm…

Với lượng mưa quá lớn, kéo dài, lượng nước về các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… rất lớn, buộc nhiều hồ phải xả tràn gây ngập lụt vùng hạ du. Tối 10-10, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương (Quảng Nam), cho biết, do mực nước tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) đạt 8,5m và đang tăng nên hồ giảm tối thiểu lưu lượng xả tràn để giảm lũ trong đêm. 

Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ đêm 9 đến ngày 10-10 có mưa rất lớn gây ngập lụt trên diện rộng và sạt lở núi. Tại huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), nhiều tuyến đường, cầu tràn nước ngập sâu, gây ách tắc giao thông và chia cắt.

Theo các chuyên gia khí tượng, năm nay, không khí lạnh đến sớm. Đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, đồng thời cũng là đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông 2022-2023.

Từ ngày 9 đến 10-11 đã có các sóng lạnh ở phía Bắc tăng cường xuống nước ta, khiến nhiệt độ thấp nhất ở miền núi phía Bắc giảm xuống chỉ còn 16-8oC. Ngày 11-10, khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Bắc Tây Nguyên có thể mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cá nuôi mất trắng

Đêm 9 và ngày 10-10, trận mưa lớn kéo dài khiến nước thượng nguồn ập xuống cuốn trôi hàng chục hécta diện tích cá nuôi của người dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Chỉ một đêm, nông dân xã Hòa Khương mất trắng cả chục tỷ đồng. 

Dọc tuyến đường vào thôn Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nhiều khu vực nước dâng quá đầu gối. Người dân tụ tập tại khu nuôi cá thuộc thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 để vớt số ít cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá ba sa, cá leo…còn sót lại. Buồn bã nhìn về phía ao hồ, anh Trần Văn Cảnh (30 tuổi, trú thôn Phú Sơn 2) than thở, chỉ sau khoảng 6 tiếng buổi sáng, toàn bộ số cá trê, cá ba sa “không cánh mà bay”. Không chỉ thiệt hại 50-60 triệu đồng/ao, giờ đây anh không biết xoay xở thế nào để trả tiền lãi ngân hàng.

Cầm trên tay mấy con cá còn thoi thóp, anh Phan Công Luận (thôn Phú Sơn 2) cho biết, nước lên nhanh, mọi người chỉ kịp vớt vát số cá cuối cùng còn đọng trong ao. 

Cách đó chừng 1km, từ khuya, nhiều hộ nuôi cá khu vực Hố Đề (thôn 5, xã Hòa Khương) dầm mưa suốt đêm để giăng lưới quanh hồ giữ cá nhưng cũng chẳng được gì. Ông Nguyễn Chí Tâm, chủ một hồ cá tại đây, cho biết, ông thả nuôi 50 triệu đồng tiền giống cá leo mấy tháng qua. Chỉ non 1 tháng nữa là thu hoạch thì... Suốt đêm gia đình ông dùng nhiều loại lưới đóng cọc giăng giữ nhưng nước mạnh quá cuốn đi tất cả. Tổng thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng. 

Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho hay, mưa lớn đã gây ngập gần 47,3ha nuôi trồng thủy sản, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là khu nuôi cá tập trung tại Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 thiệt hại 14ha; khu vực Hố Đề thiệt hại 13,3ha; Phú Sơn Tây 2ha; khu Phước Sơn 3,2ha; khu Bàu Già 1,6ha, Phú Sơn Nam 3ha; khu vực Hố Mua 10,2ha… 

Ngày 10-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung bộ.


Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn quốc gia, khu vực Trung bộ có thể vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng; UBND các tỉnh, thành tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.

Tin cùng chuyên mục