Đăng ký tạm trú chỉ mất 3 phút
Mới chuyển chỗ trọ mới, chị Nguyễn Thị Dung (ngụ quận 7, TPHCM) được hướng dẫn đăng ký tạm trú trên ứng dụng VNeID. Chị Dung kể, trên ứng dụng VNeID, chị điền một số thông tin như tạo yêu cầu lưu trú, thông tin về cơ quan công an thực hiện, lựa chọn loại hình cư trú, chọn tên cơ sở lưu trú và xác nhận lại thông tin. Khi màn hình hiển thị thông tin cá nhân và các thông tin cư trú mới, chị gửi yêu cầu xét duyệt để hoàn tất khai báo tạm trú. “Do đã được giảm bớt các phần như điền thông tin cá nhân, đính kèm giấy tờ, tài liệu lưu trên thiết bị điện tử… so với trước đây nên việc khai báo trên VNeID trở nên dễ dàng hẳn. Tôi hoàn thành trong chưa đầy 3 phút”, chị Dung nói.
Nhiều người dân cũng cho rằng việc tích hợp các giấy tờ vào một ứng dụng duy nhất là VNeID hết sức tiện lợi, người dân không cần phải nhớ nhiều tài khoản giao dịch và mật khẩu của từng ứng dụng như trước. Khi thực hiện giao dịch hành chính, người dân sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, ngoài ra còn có thể thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã thí điểm cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Sau 2 tháng thí điểm, việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID được đánh giá mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Hiện Sở Tư pháp TPHCM đã cung cấp dịch vụ công toàn trình đối với việc cấp phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn TPHCM có thể đăng ký cấp lý lịch tư pháp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nộp lệ phí trực tuyến và nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện.
Người dân còn lúng túng
Cùng với thực hiện thủ tục hành chính, từ đầu tháng 7 đến nay, lực lượng CSGT TPHCM đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm qua ứng dụng VNeID với người tham gia giao thông. Mới đây, ông Hồ Quốc Huy (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) bị CSGT dừng xe, xử lý lỗi sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe tại giao lộ Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ (quận 1, TPHCM). Khi CSGT hỏi về các loại giấy tờ trên VNeID, ông Huy cho biết chỉ mới tích hợp bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký xe máy; riêng giấy phép lái xe chưa được hệ thống xác thực dù đã tích hợp.
Theo ghi nhận cho thấy, hiện nhiều người dân còn lúng túng khi chưa biết tích hợp các loại giấy tờ bản giấy lên ứng dụng VNeID, nhất là người cao tuổi, người không có điện thoại di động thông minh kết nối internet. Bà Nguyễn Thị Thu Trang (ngụ quận Bình Thạnh) đã quen với việc đem theo đầy đủ các loại giấy tờ bên mình khi ra đường. Vì vậy, khi nhắc đến ứng dụng VNeID, bà Trang không biết có thể tích hợp giấy tờ để thay thế bản gốc. “Tôi không rành về công nghệ nên không nắm rõ ứng dụng đó. Tôi cũng ít sử dụng điện thoại, mọi thứ tôi đều nhờ con làm cho hết nên nếu bị hỏi tới tôi cũng lúng túng”, bà Thu Trang bày tỏ.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Tư pháp TPHCM cho hay, mặc dù Sở Tư pháp đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với thủ tục cấp lý lịch tư pháp, tuy nhiên số lượng hồ sơ nộp trực tuyến còn thấp so với tổng số hồ sơ người dân nộp, dẫn đến cảnh xếp hàng đông đúc tại trụ sở Sở Tư pháp TPHCM vẫn chưa giảm. Một trong các lý do dẫn đến việc này là quy trình xác minh của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an yêu cầu phải gửi hình ảnh căn cước công dân với độ phân giải cao (dung lượng tối đa 10MB). Với thiết bị chụp ảnh thông thường như là điện thoại thông minh, người dân khó chụp được hình ảnh căn cước đảm bảo tiêu chuẩn.
UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tuyên truyền phổ biến về việc chuyển đổi tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia sang VNeID. Theo đó, người dân đăng ký, đăng nhập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng phương thức duy nhất là tài khoản VNeID. Sở TT-TT chủ trì, phối hợp Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, Công an TPHCM cũng đã thực hiện chuyển đổi, làm sạch tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính sang VNeID.