Đây là hội thảo được tổ chức hàng năm, là dịp để các bác sĩ chuyên ngành ung thư trong nước và ngoài nước cùng nhau nhìn lại, chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ y học và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu cho tương lai.
Theo các chuyên gia, trong năm 2018, ghi nhận những tiến bộ mới trong sự hiểu biết về căn bệnh ung thư, sự phát triển của chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới. Trong xu thế đó, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng có những bước phát triển mới như: nhiều Khoa Ung bướu và Trung tâm Ung bướu được thành lập tại các BVĐK của các tỉnh, thành; nhiều phương tiện chẩn đoán và điều trị mới được sử dụng một cách rộng rãi.
Cùng với đó, các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không những chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh; bệnh nhân đã có thể tiếp cận các thuốc hóa trị và thuốc nhắm trúng đích mới hơn ngay tại Việt Nam.
Đặc biệt, sự hoạt động tích cực của Hội Ung thư Việt Nam cùng phối hợp với các Hội Ung thư tại các tỉnh, thành cũng như các Hội y học khác, cùng sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành,… đã làm cho mạng lưới phòng chống ung thư phát triển mạnh mẽ; tiếp tục nâng cao nhận thức về bệnh lý ung thư trong quần chúng nhân dân và cập nhật kiến thức điều trị mới cho các bác sĩ.
Việc thực hiện chương trình phòng chống ung thư tại TPHCM nằm trong chương trình phòng chống ung thư quốc gia đã có những hoạt động thiết thực và hiệu quả. Chương trình giảm tải các bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế phê duyệt đang tiếp tục thực hiện đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, trong đó Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung Bướu TPHCM là hạt nhân.
TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống ung thư, chẩn đoán và điều trị nhưng tỉ lệ mắc mới ung thư và tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất được công bố năm 2018, theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocal, nếu như năm 2012, trên toàn thế giới có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong thì đến năm 2018 số ca mắc mới lên tới 18,1 triệu cavà 9,6 triệu ca tử vong.
Theo dự đoán đến 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó 56,8% ca ung thư mới và 68,9% ca ung thư tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, ung thư là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu và có nguy cơ trẻ hóa, trong năm 2018 ước tính có hơn 164.000 ca mới và hơn 114.000 ca tử vong. Còn tại TPHCM, trong năm 2010, có hơn 6.800 ca ung thư mới thì năm 2015 tăng lên 9.000 ca.
Hội thảo phòng, chống ung thư thường niên TPHCM lần thứ 21 năm 2018 sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-12, thu hút khoảng 1.500 đại biểu đến từ các tỉnh - thành phố, các đơn vị y tế trong cả nước và quốc tế với 115 bài báo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư. Trong đó tiêu biểu là các báo cáo chuyên đề về vấn đề liệu pháp miễn dịch, như “Ức chế chốt kiểm trong liệu pháp miễn dịch ung thư” của Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; “Liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ: Tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân của bạn ngay bây giờ” của Giáo sư Mitchell Paul đến từ Úc; “Vai trò của dấu ấn sinh học trong hướng dẫn quyết định lâm sàng cho liệu pháp miễn dịch” của Giáo sư Pathmanathan A. Radjadurai (Malaysia).... |