Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành ưu tiên lựa chọn của nhiều du khách. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chung tay giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thích ứng với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, dự báo đóng góp hơn 6,4% GDP trong năm 2024. Du lịch nước ta sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Do tác động của biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang phát triển bền vững là tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch mang lại lợi ích cho môi trường, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện đời sống cho cộng đồng làm du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại diễn đàn, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Harvemann cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề: quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Ông đánh giá cao việc nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình “xanh hóa” du lịch bằng cách giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần từ nhiều năm nay như phố cổ Hội An (Quảng Nam) và huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường.
Dưới góc nhìn kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh du lịch là đỉnh cao trong phục vụ con người; đồng thời cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với quá trình chuyển đổi xanh của du lịch.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, có 5 trụ cột then chốt trong khuôn khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN: tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hóa và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, sức khỏe, an ninh, an toàn.
Các đại biểu cho rằng, việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cần song song với đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó là tăng cường quản lý điểm đến du lịch, hoàn thiện và phát huy hiệu quả chính sách phát triển du lịch, chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, đảm bảo thành công của quá trình xanh hóa.
Bên cạnh đó, các bên liên quan phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; đa dạng hóa loại hình dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy tiêu dùng du lịch và mua sắm xanh, bền vững thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh.